Tổng thống Mỹ Biden chưa dám thách thức nước Nga của Putin?

Trung Hiếu |

Vừa qua Tổng thống Mỹ Biden đã có nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào Nga. Nhưng có vẻ ông Biden chưa thực sự muốn đối đầu với Tổng thống Putin. Ông Biden vẫn chưa tung ra lệnh trừng phạt nhằm vào đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Xe tăng Ukraine trên thao trường. Ukraine đang là vấn đề nóng trong quan hệ Nga-Mỹ vào tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.

Xe tăng Ukraine trên thao trường. Ukraine đang là vấn đề nóng trong quan hệ Nga-Mỹ vào tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.

Phép thử lớn đối với chính quyền Biden

Theo người đứng đầu mảng chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, Nga hiện đã tập trung 100.000 quân ở khu vực biên giới với Ukraine – đây là “sự triển khai quân Nga ở mức độ cao nhất tại vùng biên giới với Ukraine cho đến nay”.

Việc triển khai binh sĩ như thế này là phép thử đầu tiên đối với quyết tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden trong nỗ lực ngăn chặn các mục tiêu địa chính trị của Tổng thống Nga Putin.

Trước đó, vào năm 2012 Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã không thực hiện được cam kết do chính ông này đặt ra về “lằn ranh đỏ” ở Syria và điều này đã làm xói mòn uy tín của ông trên trường quốc tế. Và chỉ hai năm sau đó, Nga quyết tâm sáp nhập Crimea.

Truyền thông thế giới đang mô tả cách tiếp cận của ông Biden với Nga là “cứng rắn” và “cảnh báo Putin”.

Nhưng sự cứng rắn đó liệu có thực chất?

Điều đáng chú ý là các lệnh trừng phạt mới nhất của chính quyền Biden lại loại trừ dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nordstream 2). Điều này là kỳ lạ vì các lệnh trừng phạt đối với Nordstream 2 đã được quốc hội Mỹ luật hóa.

Bộ Tư pháp Mỹ thời Biden cũng đã chính thức phê chuẩn các lệnh trừng phạt này và 2 thượng nghị sĩ cấp cao của phe Dân chủ đã gây sức ép lên Nhà Trắng để tiến hành các lệnh trừng phạt này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một tuyên bố vào tháng 3/2021 nói rằng Tổng thống Biden chống lại dự án đường ống này và chính quyền của ông đã “cam kết” tuân theo luật của khối lập pháp để ngăn chặn dự án đó.

Trên thực tế, chính quyền Biden có trừng phạt 2 thực thể liên quan đến việc xây dựng đường ống này, nhưng cả hai thực thể này cũng từng bị trừng phạt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây mà không mang lại tác động nào cả.

Nga là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho Liên minh châu Âu, việc cung cấp này là thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nordstream 1) cũng như qua các đường ống đi qua Belarus và Ukraine.

Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không tăng lượng khí tự nhiên dẫn sang châu Âu mà chỉ đi vòng qua Ukraine, thông qua 2.414km đường ống đi ngầm dưới nước biển Baltic sang Đức.

Dự án này sẽ khiến Ukraine mất đi nguồn thu là hàng triệu USD phí trung chuyển và có thể làm giảm tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Ukraine đi 3%. Hãng Gazprom (Nga) có kế hoạch cắt giảm nguồn cung khí cho Ukraine.

Lá bài khí đốt của Nga

Tổng thống Nga Putin từ trước đây đã sử dụng hiệu quả nguồn cung năng lượng như một vũ khí địa chính trị lợi hại.

Vào năm 2006 và 2009, Moscow đã cắt khí tự nhiên cung cấp sang Ukraine, khiến một vài nước châu Âu bị thiếu năng lượng vào giữa mùa đông.

Năm 2009, điện Kremlin cho Kiev một sự lựa chọn: hoặc là bị tăng giá 50% hoặc là gia hạn việc cho Nga thuê cảng Sevastopol ở Crimea thêm 25 năm nữa. Kiev lựa chọn phương án sau.

Đường ống đi ngầm dưới biển thì đương nhiên khó thi công hơn nhiều nhưng một đường ống như thế sẽ giúp Nga có được cánh cửa để quân sự hóa Biển Baltic. Điện Kremlin đã tuyên bố rằng đường ống này bị các tàu quân sự nước ngoài nhằm tới. Moscow có khả năng sẽ triển khai quân đội tới khu vực này với lý do bảo vệ an ninh năng lượng cho toàn châu Âu.

Đức là nước nhập khẩu khí tự nhiên nhiều nhất thế giới, tới 94% lượng tiêu thụ khí đốt ở nước này là dựa vào nguồn nhập khẩu. Và Nga hiện đáp ứng 40% nguồn cung đó cho Đức.

Đức là thành viên NATO nhưng ở phương diện khí đốt, họ đành phó mặc cho ông Putin. Để tác động lên Đức, Nga chẳng cần phải dùng đến sức mạnh quân sự - họ chỉ việc đóng nguồn cung khí đốt và từ chối mở trở lại cho đến khi các yêu sách của Kremlin được đáp ứng.

Đó là lý do vì sao Tổng thống Trump đã điều động 9.500 lính trong số 34.500 lính Mỹ đóng ở Đức sang Ba Lan. Còn Tổng thống Biden đảo ngược quyết định này vào tháng 2/2021.

Thế kẹt của ông Biden hiện nay

Ngoài việc chưa trừng phạt Nordstream 2, ông Biden còn đưa 2 tàu khu trục Mỹ rời khỏi Biển Đen. Tổng thống Mỹ cũng đã đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin trong một cuộc điện đàm hôm 13/4.

Theo kế hoạch, ông Putin sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ông Biden về biến đổi khí hậu.

Danh thủ cờ vua Nga Garry Kasparov - người hiện nay giữ chức vụ Chủ tịch Quỹ Nhân quyền có một bài báo đăng trên tờ Nhật báo Phố Wall trong đó ông viết như sau:

“Ông Biden đã trao cho ông Putin cái mà ông này muốn, đó là vị thế ngang hàng với Tổng thống Hoa Kỳ... Lời mời nói trên gửi đi thông điệp rằng ông Putin là không thể thay thế”.

Hiện nay sự cứng rắn của ông Biden mới chủ yếu thể hiện ở lời nói và hướng tới công chúng trong nước, còn trên sân khấu toàn cầu, những tuyên bố phải đi với đôi với những hành động cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại