Tổng thống mới của Mỹ nên nhận ra: Nga không phải là mối đe dọa?

Trương Mạnh Kiên |

Cuộc bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút để chọn ra tổng thống mới vào ngày 3/11. Đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ đối đầu với gương mặt từ đảng Dân chủ.

Thiếu lạc quan

Trong lúc cả thế giới đang háo hức chờ đón kết quả của sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ 4 năm diễn ra một lần, ở Nga có một bầu không khí ảm đạm hơn.

Khi các nhà phân tích ở Nga được hỏi về cuộc chạy đua tổng thống Mỹ, không mấy ai bày tỏ sự lạc quan đối với hai ứng viên hoặc hy vọng vào sự tiến triển đáng kể trong quan hệ Nga-Mỹ.

“Tôi không tin rằng có ai đó mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào dù cho ai là người chiến thắng”, chuyên gia Fyodor Lukyanov nói với Moscow Times. Về phần mình, nhà phân tích Andrey Kortunov cũng loại trừ “bất kỳ tác động đáng kể nào của người chiến thắng đến quan hệ giữa Washington và Moscow”.

Kortunov thừa nhận, không phải là không có sự khác biệt giữa hai ứng cử viên. Tổng thống Trump luôn luôn coi trọng người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong khi ông Joe Biden từng nói tằng “ông Putin không nên làm tổng thống”. Nhưng về cơ bản, sự khác biệt đó không quá lớn.

Giới phân tích Nga cho rằng Moscow sẽ vẫn phải đón nhận những điều tương tự mà nước này từng trải qua như các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và một chính quyền của Biden thậm chí sẽ còn có thái độ gay gắt với Nga hơn ông Trump.

Thời gian cầm quyền của ông Trump đã chứng kiến ​​Nga liên tục phải chịu các hình phạt đối với các hành động ở nước ngoài, không chỉ bởi Quốc hội Mỹ, với việc thông qua Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vào năm 2017, mà còn bởi cơ quan hành pháp, nơi bộ Tài chính và bộ Ngoại giao cũng đưa ra những quyết định thực thi khác nhau.

Điều đáng chú ý là một nhiệm kỳ tổng thống của Biden hứa hẹn sẽ có đường lối cứng rắn hơn rõ rệt từ Washington đối với Nga.

Tổng thống mới của Mỹ nên nhận ra: Nga không phải là mối đe dọa? - Ảnh 2.

Kết quả bầu cử Mỹ không gây nhiều chú ý ở Nga.

Cần dung hòa

Sau nhiều năm trừng phạt, trục xuất ngoại giao, đụng độ trên nhiều mặt trận, khó có thể tưởng tượng mối quan hệ Mỹ-Nga sẽ còn trở nên tồi tệ thế nào hơn hiện tại. Nhưng nếu tổng thống Mỹ tiếp theo không thay đổi cách tiếp cận tổng thể của Washington đối với Moscow và áp dụng một chính sách thực tế hơn trong các mục tiêu của mình, thì mối quan hệ giữa các nước sẽ càng xấu đi, National Interest nhận định.

Nhìn vào thập kỷ qua, giời quan sát kết luận rằng Washington và Moscow đang bị mắc kẹt trong tình trạng thù địch thường trực. Câu hỏi trong tương lai không phải là về việc liệu Mỹ và Nga có thể trở thành bạn bè hay không mà là câu hỏi hai quốc gia có thể hiểu được lợi ích an ninh cốt lõi của nhau hay không.

Dù giới tinh hoa Mỹ có thể không thích việc hàn gắn quan hệ với đối thủ, nhưng có một số vấn đề mà Washington không thể không thay đổi. Điều này đặc biệt đúng với các sự kiện xảy ra gần biên giới của Nga mà Belarus là một ví dụ.

Trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu muốn thấy Belarus chuyển biến thành một chính quyền thân phương Tây, Moscow sẽ không chấp nhận một sự thay đổi như vậy vì những lợi ích rộng lớn của nước này đang bị đe dọa.

Mỹ có rất ít quyền lực để thay đổi hiện trạng ở Minsk — và sức mạnh mà nước này sở hữu càng bị thu hẹp bởi hàng tỷ đô la các khoản vay và trợ cấp nhiên liệu mà Nga cung cấp cho Belarus. Bất kỳ tham gia tích cực của Mỹ ở Minsk có nhiều khả năng khiến Nga can dự sâu hơn vào nước này.

Viễn cảnh trên đã được chứng minh ở Ukraine. Moscow sẵn sàng và có thể cung cấp các nguồn lực quân sự cũng như giải quyết hậu quả kinh tế từ các quyết định can thiệp phục vụ lợi ích quốc gia của chính họ.

Việc Mỹ ban hành nhiều lệnh trừng phạt và xuất khẩu vũ khí cho Kyiv đã không làm gì để thay đổi tình hình trên thực tế hoặc thuyết phục Moscow giảm nhẹ lập trường. Xét cho cùng, Ukraine quan trọng đối với Moscow hơn nhiều so với Washington - và do đó Nga sẵn sàng đầu tư nhiều hơn những gì Mỹ có thể.

Tổng thống mới của Mỹ nên nhận ra: Nga không phải là mối đe dọa? - Ảnh 4.

Nhiệm kỳ của ông Trump đã mang đến nhiều cơ hội hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ.


Chính quyền tiếp theo của Mỹ nên ghi nhớ những ví dụ này khi họ xây dựng chính sách đối với Nga. Washington phải tách biệt những gì họ thực sự cần và những gì họ muốn từ Moscow, cũng như nhận thức được mức độ ảnh hưởng đối với khu vực lân cận của Nga.

Chính sách của Mỹ cũng cần lưu ý rằng Nga khó có thể là mối đe dọa khổng lồ như phương Tây từng nghĩ. Trên thực tế, nước Nga ngày nay vẫn là chưa lấy lại được vinh quang của Liên Xô trước đây.

Với 21,3 nghìn tỷ USD, nền kinh tế Mỹ lớn gấp 12 lần quy mô so với Nga. Mỹ chi nhiều hơn cho phòng thủ tên lửa, năng lực hàng hải và vũ khí so với Nga chi cho toàn bộ quân đội của mình.

Moscow chỉ đơn giản là không có khả năng hoặc nguồn lực tài chính để duy trì một hoạt động quân sự quy mô lớn, chưa nói đến việc chiếm đóng một quốc gia thành viên NATO như những gì Mỹ hay lo ngại và cáo buộc.

Tất nhiên, mặc dù Nga không thể cạnh tranh với Mỹ, nhưng đây cũng là thế lực không thể bỏ qua. Đất nước này vẫn là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới với lịch sử đáng tự hào cũng như sự nghiêm túc trong đầu tư phát triển sức mạnh quân sự.

Cho dù là Gruzia năm 2008, Ukraine năm 2014 hay Syria năm 2015, Nga sẽ triển khai lực lượng quân sự nếu điều đó là cần thiết để bảo toàn vị thế địa chính trị của mình.

Chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể sẽ bị kêu gọi thắt chặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng các động thái mới nên tránh xâm phạm vào các vấn đề mà Washington và Moscow có thể hợp tác, như kiểm soát vũ khí, y tế công cộng, giảm leo thang quân sự, quan hệ thương mại ổn định và không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nhau.

Mỹ nên bắt tay Nga khi có thể và đối đầu với Nga khi cần thiết, vì đó là cách hiệu quả nhất để ổn định một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại