Indonesia diễn tập tái chiếm đảo
IHS Jane's dẫn nguồn tin quân sự Indonesia cho biết, cuộc tập trận tại quần đảo Natuna được bắt đầu hôm 6/10 đã huy động khoảng 2.000 người cùng dàn chiến đấu cơ mạnh nhất của Không quân nước này.
Kịch bản cuộc diễn tập gồm có triển khai lực lượng hoạt động đặc biệt trên bộ mô phỏng chiến dịch tấn công tái chiếm đường băng bị kẻ địch chiếm giữ ở khu vực quần đảo Natuna.
Để thực hiện cuộc diễn tập này, Không quân Indonesia triển khai máy bay vận tải, trực thăng Hercules, chiến đấu cơ - trong đó có tiêm kích Su-27/30, tiêm kích F-16 cùng chiến đấu cơ hạng nhẹ T-50.
Tổng thống Joko Widodo thị sát cuộc tập trận.
Nói về cuộc tập trận này, phát ngôn viên Không quân Indonesia, Jemi Trisonjaya tuyên bố: "Chúng tôi muốn khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực. Chúng tôi sở hữu lực lượng không quân đủ mạnh để phòng vệ".
Dù địa điểm cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển không tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng việc Bắc Kinh tuyên bố 2 nước có "chủ quyền chồng lấn" tại vùng biển Natuna khiến Indonesia phải tăng cường phòng thủ trên quần đảo này.
Tuy nhiên, Indonesia chỉ khiêm tốn cho rằng, cuộc tập trận khai mạc hôm 6/10 của không quân nước này tại quần đảo Natuna chỉ mang ý nghĩa bảo vệ nguồn dầu khi của họ tại đây.
"Đây không phải lần đầu tiên nước này tổ chức tập trận tại vùng "biển Natuna" (Indonesia đổi tên vùng biển quanh Natuna nhằm khẳng định chủ quyền trước sự nhòm ngó từ bên ngoài) và mục đích của cuộc tập trận là kiểm soát nguồn dầu khi và hoàn toàn không mang ý nghĩa khiêu khích", Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố.
Mặc dù vậy, đích thân Tổng thống Joko Widodo đã đến thị sát cuộc tập trận và thử cảm giác mạnh bằng cách ngồi lên khoang lái chiến đấu cơ Su-27. Được biết, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở phía tây nam Biển Đông, nằm giữa bán đảo Mã Lai, đảo Kalimantan và đảo Sumatra.
Phía Bắc lấy quần đảo Natuna và quần đảo Anambas làm ranh giới; phía Nam đi qua eo biển Karimata và eo biển Gaspar, thông tới biển Java; phía Tây đi qua vùng biển giữa đảo Bintan và bán đảo Mã Lai, kết nối với eo biển Singapore và eo biển Malacca.
Đây rõ ràng là vị trí không thể tốt hơn của Indonesia trong chiến lược bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này trước tình hình bất ổn trên Biển Đông và kiểm soát eo biển Sunda.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Natuna, chính phủ Indonesia đã quyết định chi 35 triệu USD để hiện đại căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Indonesia Tantowi Yahya tiết lộ.
Biển Đông dậy sóng
Cùng với động thái gia cố sức mạnh quân sự của Indonesia, theo kế hoạch, cuối tháng 10/2016 sẽ diễn ra cuộc tập trận chung quy mô lớn tại Biển Đông với sự tham gia của New Zealand, Australia, Malaysia, Singapore và Anh, theo tờ IB Times hôm 4/10.
Nguồn tin cho biết, cuộc tập trận chung có tên gọi “Bersama Lima” sẽ có sự tham gia của lực lượng hải quân và không quân từ các quốc gia nói trên. IB Times cho biết, cuộc tập trận do Singapore tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ an ninh và cứu trợ thiên tai trong khu vực.
Theo nguồn tin này, hiện những quốc gia này đang soạn thảo Hiệp ước Quân sự 5 bên, trong đó yêu cầu các thành viên tham vấn lẫn nhau và cùng hành động nếu có tấn công vũ trang tại Malaysia hoặc Singapore.
Căng thẳng trên Biển Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Bắc Kinh liên tục có động thái mới tại vùng biển này.
Đặc biệt là khi Bắc Kinh đã đưa một lượng lớn sà lan tới bãi cạn Scarborough, nơi mà cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Đây là thông tin gây bất an mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết hồi tháng 9/2016.
Theo ông Duterte, phía Philippines ngờ rằng Trung Quốc có thể đã bắt đầu lấp biển xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough. Thông tin trên có thể là dấu hiệu cho thấy cảnh báo trước đó về thời điểm Trung Quốc hành động quân sự trên Biển Đông sắp thành hiện thực.
Clip Tổng thống Joko Widodo trên tiêm kích Su-27