Bài viết là lời chia sẻ của ông Lưu, 72 tuổi, được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc). Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện của ông đã nhận được đồng cảm.
Tôi đã 72 tuổi, trước đây tôi làm việc ở một công ty khá lớn và từng giữ vị trí Giám đốc bộ phận. Khi về hưu, tiền lương của tôi là 8.000 NDT (khoảng 27,7 triệu đồng). Trong mắt mọi người, tôi khá hạnh phúc, sống sung túc, chẳng lo vấn đề tài chính. Tuy nhiên thực tế, cuộc sống của tôi rất buồn, cô đơn, tủi hờn.
Từ chối cho con vay tiền, hệ lụy sau đó đau lòng...
Lúc mới nghỉ hưu, 2 con tôi đang phát triển sự nghiệp riêng, tôi từ chối giúp đỡ con về tiền bạc. Tôi và vợ nghĩ rằng các con nên tự lập, suy cho cùng, chúng tôi đã vất vả gần hết đời vật lộn với cuộc sống. Vì thế, vợ chồng tôi quyết định dùng tiền lương hưu để đi du lịch, tận hưởng tuổi già. Không ngờ mối quan hệ giữa tôi và các con dần xa cách.
Thời gian sau, công ty của con trai cả làm ăn thua lỗ do dịch COVID-19, đối mặt với nguy cơ phá sản. Con khẩn nài vay tôi 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng) nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Vợ chồng tôi cũng có tuổi, tôi cần giữ số tiền tiết kiệm để phòng thân. Vì việc này mà con giận tôi, ít liên lạc với 2 vợ chồng tôi, không về nhà chơi vào cuối tuần nữa.
Không ngờ ở tuổi 65, vợ tôi đột ngột qua đời vì một cơn tai biến. Khi vợ mới mất, tôi buồn bã cả ngày. Nửa năm sau, tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau nhưng đứa con trai lớn của tôi lại phớt lờ tôi, còn con gái thì đưa tôi về ở cùng. Lúc đầu, con gái rất hiếu thảo, mua nhiều đồ ăn ngon cho tôi bồi dưỡng. Nhưng ở cùng lâu cũng sinh chuyện, và tôi có chút mâu thuẫn với con rể. Vì thế, tôi quyết định chuyển về quê sống.
Sự việc xảy ra khiến tôi càng tin rằng việc tiết kiệm tiền, không cho con cái vay mượn là đúng đắn nhất. Nhưng ở quê vài năm, tôi "ngã bệnh". Bệnh thấp khớp, tim mạch, tiểu đường,... kéo đến khiến tôi nằm một chỗ, phải nhờ sự chăm sóc từ người khác.
Tôi bèn gọi điện cho con trai, con lạnh lùng đáp: "Công việc con quá bận, con không thể về chăm sóc bố". Tôi lại gọi cho con gái và con rể thì biết tin 2 con đang đi du lịch nước ngoài. Không còn cách nào, tôi đành thuê người giúp việc.
Giờ nằm trên giường ngẫm lại, tôi thấy bao năm nuôi con khôn lớn, giờ tôi chỉ mong muốn được các con chăm sóc, không khí gia đình sum vầy. Các con có về nhà thăm tôi nhưng khá hời hợt, chỉ làm vì trách nhiệm chứ không dành nhiều tình cảm.
Càng nghĩ tôi càng đau lòng. Tiết kiệm tiền để phòng lúc ốm đau là tốt nhưng có lẽ tôi không nên lạnh lùng từ chối khi con vay tiền. Tôi có thể cho con vay một khoản nhỏ để cứu con qua cơn khó khăn. Tôi đã không làm điều này, giờ khiến các con quay lưng, tôi hối hận vô cùng. Tôi cũng không thể trách các con vì tội bất hiếu vì cách cư xử của tôi chưa đúng, không khéo léo.
Tôi cũng ngẫm ra rằng với số tiền lương hưu, tôi sẽ có những cách sau để quản lý:
- Tiêu dùng hợp lý: Sau khi nghỉ hưu, thu nhập của người cao tuổi sẽ giảm sút, do đó, bạn cần lập kế hoạch chi tiêu sinh hoạt hợp lý để tránh lãng phí. Bằng cách này, cuộc sống của bạn sẽ đỡ căng thẳng, giải quyết được các trường hợp khẩn cấp.
- Đầu tư tài chính: Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hưu trí. Người cao tuổi có thể đầu tư một phần quỹ hưu trí của mình để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi đầu tư và quản lý tiền, tránh chạy theo xu hướng một cách mù quáng. Trong đó, gửi tiền vào ngân hàng cũng là một cách quản lý tốt, ổn định và không gặp nhiều rủi ro.
- Đầu tư vào sức khỏe: Đây là một trong những chìa khóa đảm bảo chất lượng cuộc sống hưu trí. Sức khỏe của người cao tuổi là tài sản của họ nên một phần quỹ hưu trí nên được sử dụng cho bảo hiểm y tế và quản lý sức khỏe.
Trên thực tế, người cao tuổi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cố vấn tài chính chuyên nghiệp và con cái của họ - những người có thể đưa ra kế hoạch sử dụng lương hưu phù hợp cho người cao tuổi dựa trên thu nhập, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và các yếu tố khác. Đồng thời, người cao tuổi cũng có thể nâng cao khả năng quản lý tài chính bằng cách đọc sách, bài báo liên quan.