Theo RT, đặc phái viên Mỹ tại Syria, James Jeffrey đã thẳng thắn nói về mục tiêu của Mỹ ở Syria.
"Sự hiện diện quân sự của chúng tôi, mặc dù chỉ với số lượng nhỏ nhưng có vai trò quan trọng với những tính toán chiến lược chung. Do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội, người dân Mỹ và Tổng thống tiếp tục duy trì lực lượng này", ông Jeffrey nói hôm 12/5 trong một video tại sự kiện do Viện Hudson tổ chức.
Hồi đầu tháng 3, đặc phái viên Mỹ tại Syria đã nhận định với báo giới rằng Mỹ sẽ "làm khó" Nga khi quốc gia này giúp chính phủ Syria đạt được một chiến thắng về quân sự.
Nga can thiệp quân sự tại Syria vào cuối năm 2015 sau lời đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad và làm đổi chiều cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này. Với sự hỗ trợ từ Nga, quân đội Syria đã đẩy lùi được các tay súng khủng bố của IS và các nhóm phiến quân khác.
Ông Jeffrey thừa nhận, quân đội Nga đã thành công ở Syria, song nhận định: "Họ không có một giải pháp chính trị để giải quyết các vấn đề của mình" với Tổng thống Syria Bashar Assad và Mỹ muốn đề xuất "một giải pháp thúc đẩy" qua Liên Hợp Quốc - có thể là dựa trên Nghị quyết 2254 mà Washington đã nhắc đến trong một thời gian dài, đó là "ông Assad phải ra đi".
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bác bỏ sự can thiệp vào Trung Đông và tìm cách rút quân khỏi Syria, Iraq và Afghanistan nhưng ông cũng không ít lần vấp phải sự phản đối từ Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về quyết định này.
Tháng 9/2014, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã phát động chiến dịch không kích tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, chỉ một tháng sau khi bắt đầu không kích IS tại nước láng giềng Iraq.
Thời điểm đó, IS đã xây dựng được cơ sở quân sự lớn mạnh ở Syria, nơi được chúng sử dụng để làm bàn đạp càn quét khắp miền tây và bắc Iraq vào đầu năm 2014.
Cuối năm 2015, những lính bộ binh Mỹ đầu tiên đặt chân tới Syria. Ban đầu chỉ với con số 50 thủy quân lục chiến, sau lên tới con số chính thức hiện tại là khoảng 2.000 quân.
Họ đã nhanh chóng chiêu mộ, tổ chức và cố vấn cho hàng ngàn chiến binh Arab và người Kurd Syria, tập hợp trong hàng ngũ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một lực lượng đối lập chính tại Syria, và đẩy dần IS ra khỏi hầu hết các căn cứ địa của phe này.
Tới nay, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành không kích nhằm vào ít nhất 17.000 địa điểm tại Syria kể từ khi bắt đầu can dự.
Bên cạnh việc hỗ trợ vũ khí, huấn luyện cho lực lượng nổi dậy và trực tiếp đưa không quân, bộ binh tham chiến, quân đội Mỹ đã hai lần trút tên lửa Tomahawk xuống các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Assad.