Toan tính của Thụy Điển khi tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục sau nhiều năm

Quang Dũng |

Việc Thụy Điển gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục trong vòng 70 năm là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga về việc nước này sẵn sàng phản ứng và đáp trả.

Các quân nhân Thụy Điển ở cảng Visby, đảo Gotland, Thụy Điển ngày 14/9/2016. Ảnh: Reuters

Các quân nhân Thụy Điển ở cảng Visby, đảo Gotland, Thụy Điển ngày 14/9/2016. Ảnh: Reuters

Mức tăng cao nhất trong vòng 70 năm

Trước khi Quốc hội Thụy Điển thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng giai đoạn 2021-2025, quốc gia này từng quyết định tăng thuế rượu bia để tăng ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, động thái tăng ngân sách quốc phòng cao nhất của Thụy Điển trong vòng 70 năm qua thực tế không phải là một bất ngờ. Trong vài năm qua, Thụy Điển đã có nhiều động thái theo hướng củng cố năng lực quốc phòng của mình.

Các năm gần đây ngân sách quốc phòng mỗi năm của Thụy Điển đều gia tăng và vào năm 2017, Thụy Điển đã tái lập nghĩa vụ quân sự bắt buộc hàng năm với 10.000 công dân nước này, sau 7 năm bãi bỏ cơ chế này.

Vì thế, có thể nói là người dân Thụy Điển cũng không bất ngờ trước việc tăng ngân sách quốc phòng tới 40% của Thụy Điển trong thời gian tới.

Vào năm 2017, trong một cuộc khảo sát của hãng Pew thì có đến 65% người dân Thụy Điển nhìn nhận khối quân sự NATO một cách tích cực, dù Thụy Điển chỉ là một nước đối tác chứ không phải là thành viên của NATO.

Con số người dân Thụy Điển muốn nước này gia nhập NATO cũng cao hơn số phản đối, ở mức 47% so với 39%. Như vậy, có thể thấy, ngay từ 3 năm trước, người dân Thụy Điển đã có xu hướng ủng hộ các chính sách mạnh mẽ hơn về quân sự.

Hiện tại, sau 3 năm với các căng thẳng gia tăng trong môi trường an ninh và địa chính trị tại khu vực châu Âu và đặc biệt là tại Bắc Âu và Bắc Cực, chắc chắn sự quan tâm của người dân Thụy Điển với vấn đề an ninh – quốc phòng sẽ tăng mạnh hơn.

Điều này cũng phần nào phản ánh qua sự thăng tiến trên chính trường Thụy Điển suốt nhiều năm qua của đảng Dân chủ Thụy Điển, một đảng theo xu hướng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa.

Nguyên nhân lớn nhất

Mức tăng ngân sách quốc phòng của Thụy Điển lần này là mức tăng lớn nhất trong 70 năm qua. Nguyên nhân lớn nhất đứng sau quyết định này của Thụy Điển là sự lo ngại về mối đe dọa an ninh đến từ Nga.

Trong phát biểu công bố về việc tăng ngân sách quốc phòng 40% tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist đã công khai nói về lo ngại này khi cho rằng “không thể loại trừ một cuộc tấn công quân sự toàn diện nhằm vào Thụy Điển” trong một tương lai gần, trong đó, nguy cơ lớn nhất dĩ nhiên đến từ Nga, nước láng giềng của Thụy Điển và trong quá khứ lâu đời từng có nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với Thụy Điển.

Trước đó 1 tháng, các Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Bắc Âu trên Bán đảo Scandinavia là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan cũng đã ký một văn bản hợp tác quốc phòng do lo ngại các hoạt động gia tăng của quân đội Nga tại biên giới các nước này.

Về phần mình, trong vài năm qua, Thụy Điển từng nhiều lần chỉ trích tàu chiến và máy bay chiến đấu Nga xâm phạm vùng biển và không phận nước này.

Đồng thời, việc Nga gia tăng nhân lực và đề ra chiến lược tham vọng liên quan đến Bắc Cực và Bắc Băng Dương cũng tạo nên sự lo ngại rất lớn đối với Thụy Điển.

Giới chính trị gia cầm quyền ở Thụy Điển nhận định rằng Nga hiện nay có xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được các mục đích chính trị, điển hình như cuộc khủng hoảng ở Crimea.

Thụy Điển đặc biệt lo ngại việc hòn đảo Gotland của nước này trên biển Baltic, vốn là một vị trí chiến lược trong thời Chiến tranh Lạnh, có thể bị đánh chiếm một khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga với các nước phương Tây.

Về tổng thể, mặc dù không phải là thành viên của NATO nhưng Thụy Điển vẫn coi mình là một thành phần trong cấu trúc an ninh của châu Âu và đang bị đe dọa bởi Nga sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.

Lời cảnh báo tới Nga

Đến nay Thụy Điển vẫn duy trì chính sách không liên kết, không tham gia NATO, với lực lượng vũ trang chủ yếu để tham gia vào các chiến dịch quốc tế.

Tuy nhiên, dư luận Thụy Điển có cái nhìn rất tích cực với khối quân sự NATO và ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu nước này chính thức gia nhập NATO để trở thành một thành viên đầy đủ, được “chiếc ô an ninh” của NATO bảo vệ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm về địa chính trị.

Do vị trí địa lý quá gần với nước Nga và lại nắm giữ vai trò chiến lược ở Bắc Bắc Cầu, kiểm soát được con đường từ biển Baltic ra Đại Tây Dương và kiểm soát được các tuyến hàng hải chiến lược trên Bắc Băng Dương nên bao lâu nay hai nước Scandinavia là Thụy Điển và Phần Lan vẫn cố gắng duy trì con đường trung lập, không liên kết, mặc dù là các đối tác thân cận của NATO.

Các nước này thực hiện một chính sách mà trong quan hệ quốc tế gọi là “mô hình Phần Lan”, tức cố gắng trung lập giữa Nga và phương Tây.

Nếu Thụy Điển hay các nước Phần Lan gia nhập NATO thì sự cân bằng chiến lược này sẽ lập tức đổ vỡ và có thể tạo ra các thay đổi nghiêm trọng, khi Nga sẽ buộc phải đáp trả bằng các chính sách quân sự mạnh mẽ.

Điều đó sẽ lập tức đặt Thụy Điển hay Phần Lan vào thế đối đầu trực diện vô cùng nguy hiểm với Nga.

Do đó, trong tương lai gần, sẽ khó có khả năng Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, việc Thụy Điển gia tăng ngân sách quốc phòng lịch sử là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga về việc nước này sẵn sàng phản ứng và đáp trả.

Trong 5 năm tới, quân số của Thụy Điển sẽ tăng thêm 50%, từ mức 60.000 quân thường trực hiện nay lên 90.000 quân. Hải quân sẽ được trang bị thêm tàu ngầm và cải tiến đội tàu chiến. Thụy Điển cũng sẽ đổi mới không quân và đang đàm phán với Mỹ để mua hệ thống phòng không Patriot.

Đặc biệt, việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ giúp Thụy Điển làm sống lại các thành phố quân sự như trong thời Chiến tranh Lạnh. Nước láng giềng của Thụy Điển là Phần Lan cũng đang có các chính sách tương tự và cũng đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục trong thời gian qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại