Toàn cảnh 1 năm ở Syria: Nga lún sâu vào vũng lầy chiến tranh!

Quang Huy |

Nga đang ở trong ngõ cụt Syria, họ có thể sẽ chiến đấu đến khi giành thắng lợi, nhưng thêm mất mát, hi sinh là thêm nhiều câu hỏi mà chính quyền phải đau đầu trả lời người dân.

Đúng một năm trước, ngày 30/9, Nga chính thức bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Syria theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp của nước này.

Căn cứ từ tuyên bố của thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Mikhail Bogdanov, đưa ra vào ngày 26/9/2016, ban đầu dự kiến chiến dịch chỉ kéo dài vài tháng, nhưng hiện giờ đã rõ rằng, Nga "chưa thấy chân trời ở phía xa".

Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc khi xây dựng kế hoạch cho chiến dịch, Nga đã đánh giá không đúng các đối thủ. Hoặc đánh giá quá cao các lực lượng của mình.

Về mặt chính thức, nhiệm vụ chính trong chiến dịch quân sự của Nga là "ổn định chính quyền hợp pháp và thiết lập những điều kiện để tìm kiếm sự nhượng bộ về chính trị" và chống chủ nghĩa khủng bố đang tiến lại gần.

Về mặt phi chính thức, theo kết quả điều tra ý kiến chuyên gia của tổ chức RISI thực hiện có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga:

"Những mục tiêu đầu tiên được Moscow đặt ra khi triển khai chiến dịch - đó là ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng trên lãnh thổ Nga, tiêu diệt IS như một lực lượng chính trị và quân sự, cũng như bảo đảm vai trò của Nga như một bên quan trọng hàng đầu tại Trung Đông".

Và nhiệm vụ "kiểm tra một cách toàn diện khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Nga" chỉ đứng ở vị trí cuối cùng.

Toàn cảnh 1 năm ở Syria: Nga lún sâu vào vũng lầy chiến tranh! - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga.

Theo thông tin của hãng thông tấn TASS (Nga), ban đầu trong thành phần của lực lượng vũ trang Nga gồm có 48 máy bay và trực thăng cùng với các phương tiện yểm trợ. Về quân số, theo nhiều đánh giá khác nhau, ước vào khoảng từ 2.000 đến 5.000 người.

Vào tháng 11/2015, lực lượng không quân được tăng cường: thêm 4 chiếc tiêm kích Su-27SM3 và 8 chiếc Su-34 bổ sung vào nhóm các máy bay ném bom Su-24 và Su-34, máy bay cường kích Su-25SM, máy bay tiêm kích Su-30SM hiện có.

Đồng thời, các cuộc không kích được thực hiện với sự trợ giúp của lực lượng không quân chiến lược – các máy bay Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22M3 có sử dụng cả tên lửa hành trình X-101 và X-555.

Sau sự kiện máy bay Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 đã được điều tới sân bay Hmeimim, khiến cho không chỉ lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị kiềm chế mà hoàn toàn phong toả khả năng của phương Tây tổ chức các vùng cấm bay tại phía bắc và phía nam Syria.

Vào tháng 3/2016, Nga chính thức thông báo về việc rút một phần các đơn vị khỏi Syria, tuy nhiên thay vào đó lực lượng không quân được tăng cường. Sau đó số binh lính Nga thiệt mạng cả trên không lẫn trên bộ bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Chính thức có 20 binh lính Nga hy sinh tại Syria. Thiệt hại về khí tài – 1 chiếc Su-24 và 4 trực thăng gồm Mi-8, Mi-8AMTSh, Mi-28 và Mi-35M. Không thể không nhắc tới sự kiện chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga "Kogalymavia" gặp nạn vào tháng 10/2015 khiến 224 người thiệt mạng.

Theo thông tin của hãng thông tấn RIA Novosti, tính đến ngày 28/9/2016, lực lượng không quân Nga đã thực hiện hơn 10 nghìn lần cất cánh, tiêu diệt hơn 30 nghìn cơ sở của phiến quân, số lượng những khu dân cư được giải phóng tăng lên đến 685.

Toàn cảnh 1 năm ở Syria: Nga lún sâu vào vũng lầy chiến tranh! - Ảnh 2.

Su-34 của Không quân Nga oanh kích các mục tiêu ở Syria.

Đến tháng 3/2016 đã có hơn 4,9 nghìn phần tử khủng bố IS và các tổ chức vũ trang khác bị tiêu diệt, trong đó có gần 2 nghìn đối tượng là người gốc Nga, bao gồm 17 chỉ huy người Chechnya.

Tuy nhiên, dù Bộ Tổng tham mưu đã công bố những kết quả mà Nga đạt được, nhưng cuộc chiến này chưa có nhiều tiến triển.

Trong vòng 1 năm qua, Moscow thực sự đã củng cố được vị thế của Bashar Assad và đẩy lùi phe đối lập ra khỏi Damask, nhưng một phương án giải quyết cuộc xung đột này bằng chính trị hay cuộc chuyển giao chính phủ vẫn chưa được đề cập tới.

Theo đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, cựu trưởng nhóm Cục tác chiến số 1 Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga:

"Với thành phần lực lượng và phương tiện hiện có trong tay của tư lệnh quân đội Nga tại Syria, thì không thể giải quyết được bất cứ nhiệm vụ mang tính chiến lược nào: Không thể đập tan phiến quân, cũng không thể thiết lập các điều kiện để các bên khác chấp thuận giải quyết cuộc xung đột.

Vì thế, không có bất cứ phương án giải quyết vấn đề bằng con đường chính trị nào được xem xét".

Trong thời gian gần đây, vì thoả thuận Nga-Mỹ bị cắt đứt, nên các hành động quân sự ngày càng gia tăng mạnh. Hôm 24/9, trên bầu trời Latakia dường như lại xuất hiện các máy bay cường kích Su-25 từng được rút khỏi căn cứ Hmeimim vào tháng 3.

Trong cuộc xung đột tại Syria, kể cả không có lệnh ngừng bắn, cũng khó có thể đạt được những mục tiêu quân sự đặt ra bởi vì chiến tranh ở đây mang tính bùng phát, những phần tử cực đoan tăng cường trà trộn với thường dân trong các khu dân cư, còn lý tưởng Salafi ăn sâu bám rễ trong dân.

Được biết rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria sẽ kéo dài tối thiểu đến tháng 1/2017 – chính khi đó chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov, lực lượng không quân, mà theo thông tin của truyền thông sẽ tham gia vào các cuộc không kích phe đối lập trong tháng 11 này, sẽ dừng hoạt động triển khai chiến đấu.

"Các hành động của lực lượng vũ trang Nga có thể đánh giá ở mức tốt, còn về mặt chính trị và tương lai sự can dự của Nga tại đây là vô cùng khó nhận định – vẫn không hiểu được ban lãnh đạo nhà nước đặt ra cho mình những mục tiêu gì.

Toàn cảnh 1 năm ở Syria: Nga lún sâu vào vũng lầy chiến tranh! - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không S-400 Nga triển khai tại Syria.

Những gì họ từng tuyên bố chính thức sẽ là các mục tiêu hợp lý", phó giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị và quân sự (Nga), ông Alexandr Khramchikhin nói.

Ông cũng cho rằng, việc áp chế các nhóm vũ trang cực đoan người Sunni và cả những đối thủ của Assad nói chung là mục tiêu của Nga. Theo ông, một số nhóm, có lẽ, Nga chẳng nên bận tâm, nhưng phương án duy nhất có thể chấp nhận được – đó là khôi phục quyền kiểm soát của Assad trên toàn bộ lãnh thổ Syria.

Nếu không, Nga sẽ phải chiến đấu liên miên mà không có hồi kết. Mục tiêu này vẫn chưa đạt được, và đương nhiên, đã không thể đạt được với những nguồn lực hạn chế của Nga hiện nay tại Syria. Nhưng hoàn toàn có thể đặt ra một mục tiêu ngớ ngẩn – làm lành với phương Tây thông qua Syria – điều mà chắc chắn không thể xảy ra.

Quân đội Syria trong những năm chiến tranh ngày càng mất đi khả năng chiến đấu. Họ chỉ có thể chiến đấu dựa trên sự trợ giúp của các đơn vị đặc nhiệm Iran, "Hezbollah" - các nhóm vũ trang Iran và Afganistan,….

Và từ giờ, khi đã trở thành người bảo trợ cho Damask, Nga sẽ phải nhận trách nhiệm bảo toàn lãnh thổ do Assad kiểm soát. Chính bởi vậy, Nga không chỉ không thể rút khỏi Syria, mà còn cần phải tăng cường sự hiện diện của mình.

Lần rút quân vào tháng 3, về bản chất, là lần tập hợp lại lực lượng mà nó khiến cho bính lính Nga hi sinh nhiều hơn. Có thể thấy rõ rằng, Syria đang ngày càng níu chân Nga nhiều hơn.

Ngoài ra, các căn cứ quân sự không thể tự mình tồn tại: theo kinh nghiệm của Liên Xô và Mỹ, sự hiện diện quân sự phải kèm theo những khoản đầu tư lớn vào kinh tế của các nước có đặt những căn cứ đó. Nhưng Nga có đủ lực để làm được điều đó hay không?

Một điểm tích cực - đó là nhóm quốc tế hỗ trợ Syria mà trong khuôn khổ của nhóm này Nga và Mỹ đang tiến hành đối thoại. Một trong những mục tiêu rõ nét của chiến dịch quân sự tại Syria mà Nga đã đạt được – đó là hợp tác với phương Tây để giải quyết những vấn đề khác trên thế giới.

Có thời điểm, tưởng chừng như điều này đã mang lại thành công. Nhưng nếu tiếp tục công khai ủng hộ Assad mà không chuyển sang vị thế của người điều phối cuộc xung đột Syria (không ủng hộ bên nào), thì Nga có thể không quay trở lại được khi mọi mối quan hệ bị cắt đứt.

Nhân tiện, vì những lợi ích của Damask và Tehran mà Nga phải từ chối đối thoại với phương Tây và phải quyết định mọi vấn đề bằng còn đường quân sự. Đối với Syria và Iran – họ đã đạt được thành công, còn đối với Moscow thì không.

Hơn nữa, Nga không có được quyền kiểm soát đối với chế độ Syria giống như Iran đang nắm. Mà nếu như Nga cắt đứt sợi chỉ liên kết với phương Tây, thì Nga sẽ phải bỏ toàn bộ công sức để khôi phục lại hạ tầng của Syria mà ước tính vào khoảng hàng nghìn tỷ USD.

Nga lấy tiền ở đâu ra? Iran cũng đang gặp phải nhiều vấn đề về kinh tế. Theo quan điểm của ông Isaev, Nga đã đến thời điểm cần phải xác định rõ các ưu tiên của mình và xây dựng một chiến lược dài hạn.

Nga tự tuyên bố mình là người bảo trợ cho chế độ Assad, và Nga không thể bỏ chế độ này, nhất là khi trên truyền hình chỉ tuyên truyền về "những thành công vang dội" của Nga tại Syria. Nhưng dù ai có nói gì đi chăng nữa, thì đối với Nga, cuộc chiến này càng trở nên tốn kém.

Phần lớn hàng tiếp viện được vận chuyển bằng đường không vì bằng đường biển mất nhiều thời gian. Chỉ tiếp viện cho lực lượng vũ trang tại Afganistan của Quân khu Trung Á đã mất rất nhiều nguồn lực, cho nên việc tiếp viện cho nhu cầu của quân đội Syria hiện nay bằng đường không đắt như vàng.

Nói chung, hiện giờ một vấn đề đặt ra trước Moscow – tiếp tục làm gì? Phủi tay? Hay tiếp tục trợ giúp? Logic diễn biến các cuộc xung đột cục bộ tại Algeria, Đông Dương, Afganistan nói lên rằng, rủi ro bị kéo vào những tình huống này rất lớn.

Về bản chất, hiện nay vấn đề không chỉ nằm ở quan điểm của Damask và Tehran. Assad chưa sẵn sàng hợp tác với người Kurd, đối với ông ta tất cả những nhóm vũ trang cực đoan nước ngoài là phe đối lập mà không thể đàm phán được.

Nga chỉ có thể giải quyết vấn đề Syria thông qua đàm phán với Mỹ, Châu Âu, Ả Rập Xê Út, Qatar,… Liên minh với Iran, phe phản đối sự hiện diện tăng cường của Nga trong khu vực, không giúp Nga tiến xa.

Hiện giờ, Nga đang ở trong một ngõ cụt. Có thể sẽ chiến đấu cho đến khi giành được thắng lợi, nhưng thêm một sĩ quan hi sinh, thêm nhiều câu hỏi chính quyền sẽ phải trả lời trước người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại