Trong những năm qua, các bộ phim Hollywood đã khiến rất nhiều người bị ngộ nhận và hiểu sai về bắn súng: Hai tay hai súng, bắn súng không cần thay đạn, không cần ngắm,…
Và không thể không kể đến là những tay súng bá đạo vừa rút súng ra khỏi bao đã dễ dàng bắn trúng vào tay hoặc chân của một ai đó. Tuy nhiên, đây không phải lỗi của riêng các nhà làm phim mà từ rất xa xưa trong lịch sử đã có những ngộ nhận như vậy.
Chúng ta từng được nhiều lần nghe kể các câu chuyện về các chàng cao bồi thiện xạ như Lucky Luke ở miền Tây nước Mỹ thời loạn lạc, Lãng Tử Yến Thanh trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc có thể cách xa 100 bước chân bắn xuyên cành liễu.
Phải công nhận một điều: Con người yêu thích những câu chuyện lịch sử đẹp, thế nên sách vở mô tả các vị anh hùng phần lớn đều rất thần thánh.
Không phải tứ chi mà tâm khối mới là mục tiêu khi huấn luyện bắn súng
Trong xã hội ngày nay, đâu đó trên internet, bên dưới một video về "cảnh sát ác" khi họ bắn chết kẻ phạm tội ta có thể bắt gặp nhiều bình luận, nhận xét như: "Tại sao họ (cảnh sát) không bắn bị thương thôi? Nhắm vào cánh tay hay chân ý? Có nhất thiết phải giết người hay không?".
Trong phạm vi bài chúng ta sẽ chỉ nói về những cảnh sát chân chính phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm chứ không bàn về các trường hợp cố ý sử dụng vũ khí để lạm sát.
Trên thực tế, cảnh sát không được dạy những ngón nghề "bắn tay bắn chân" như vậy. Nói chung, không ai trong lực lượng vũ trang được dạy cả. Tất cả đều được huấn luyện để hạ gục tội phạm, hay chính xác hơn – bắn vào tâm khối. Khi đối mặt với nguy hiểm thì không bao giờ có cơ hội để đùa giỡn.
Không có chuyện bắn "nửa sống nửa chết", bắn "chỉ làm bị thương", bắn ít đau. Bất kỳ mối đe dọa nào cũng phải được coi nghiêm túc là có thực, thậm chí ngay cả khi trông không có gì là nguy hiểm.
Quá khó để chỉ có thể bắn cảnh cáo vào chân hoặc tay một đối tượng như thế này
Mọi nhân viên cảnh sát đều hiểu: đừng bất cẩn khi thấy một ông già nhỏ bé, trông có vẻ tốt bụng và chắc là ông không bao giờ làm bạn đau dù chỉ bằng một que tăm – để rồi khi bạn nhận ra có một con dao cắm ngập vào gan thì đã muộn. Rất nhiều người đã vì tự tin, đánh giá thấp tình hình mà phải bỏ mạng.
Có một logic như sau: nếu bạn kịp bắn một phát đạn cảnh báo thì trên thực tế không có gì là nguy hiểm vì bạn có đủ thời gian để đối phó. Còn nguy hiểm thực sự là khi mỗi giây đáng giá cả tính mạng, và khi đó bạn chẳng còn có thời gian để làm điều vô nghĩa.
Tại sao cần phải bắn vào tâm khối mà không phải là vào chân hay tay? Có ba lý do quan trọng giải thích cho điều này:
Lý do đầu tiên – bắn vào tâm khối dễ trúng hơn
Bắn súng và bắn trúng là những điều rất khác nhau. Trong những tình huống khẩn cấp đòi hỏi người cầm súng phải xử lý cực nhanh thì ngắm đúng và bắn trúng vào chân hoặc tay đối tượng là vô cùng khó khăn. Thẳng thắn mà nói, chỉ có ăn may thì mới có thể trúng mà thôi.
Hãy bắt đầu với những điều cơ bản: hầu hết các loại vũ khí đều có bộ phận ngắm, và chúng được thiết kế không phải chỉ để cho có.
Phổ biến nhất là ngắm cơ khí – gồm khe ngắm và điểm ruồi mà người cầm súng cần phải kết hợp đúng cách (giữ cho khe ngắm, điểm ruồi và mục tiêu thẳng hàng). Chỉ cần sai lệch chút ít trên đường ngắm thì viên đạn sẽ bay cách điểm mà xạ thủ muốn bắn trúng cả "một vạn tám ngàn dặm".
Kết hợp đúng khe ngắm và đầu ruồi và các trường hợp sai lệch
Có thể khó tin nhưng chúng ta hãy làm phép tính nhỏ để xem sai lệch khi ngắm sẽ làm viên đạn bay chệch như thế nào bằng cách sử dụng công thức sau:
A = (a * L) / l
A - độ lệch của đạn khỏi mục tiêu
a – độ lệch của điểm ruồi so tâm của khe ngắm
L - Khoảng cách tới mục tiêu
l - chiều dài của đường ngắm (tính từ khe ngắm tới đầu ruồi)
Lấy ví dụ với khẩu súng lục Makarov có đường ngắm 130 mm, độ lệch điểm ruồi là 5 mm, khoảng cách tới mục tiêu 2 mét (2.000 mm). Kết quả là chúng ta có: A = (5 * 2000)/130 = 76,92 mm.
Vậy là chỉ cần điểm ruồi lệch 5 mm so với khe ngắm thì đạn đã đi lệch gần 77 mm. Hãy tưởng tượng nếu người cảnh sát định bắn vào chân kẻ tội phạm từ khoảng cách chỉ có 2 mét mà đạn bay chệch đi nhiều đến vậy thì cơ hội trúng chẳng là bao, hay thậm chí còn không thể làm hắn cảm thấy "hơi rát ngứa".
Những ai đã từng có cơ hội bắn súng ngắn chắc đều quen thuộc với câu nói đùa: "Cầm đá ném còn trúng mà cầm súng bắn lại trượt".
Dù khoảng cách không lớn nhưng xạ thủ vẫn bắn trượt và bị mục tiêu rượt đuổi
Đương nhiên, khoảng cách càng xa, căng thẳng tâm lý của xạ thủ càng lớn và thời gian càng gấp thì xác suất trượt càng cao. Và, có thể trái với mong muốn của xạ thủ, thay vì bắn vào bàn tay thì viên đạn lại trúng vào động mạch, khiến mọi cố gắng "bắn bị thương" trở thành vụ giết người.
Đối mặt với kẻ tội phạm nguy hiểm thế này không cho cảnh sát nhiều lựa chọn - bắn vào chân hay vào tay bây giờ?
Tại sao điểm ruồi lại lệch? Đó là bởi stress. Một tình huống căng thẳng sẽ khiến xạ thủ dù kỳ cựu nhất cũng ít nhiều phải luống cuống do tác dụng của adrenaline.
Đây là một hormone có tác dụng lên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi ta sợ hãi, tức giận hay thích thú, làm cho tim đập nhanh hơn và cảnh báo cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. Và chỉ run tay tí xíu thôi cũng làm mọi chuyện "sôi hỏng bỏng không".
Lúc này đôi tay không thể giữ thẳng đường ngắm, mà cũng không còn thời gian để nghĩ tới chuyện đó nữa. Đối mặt với kẻ tội phạm có vũ khí không phải là bài tập trong điều kiện trường bắn có mái che mưa nắng, càng không phải là bắn vào những ống lon rỗng bất động bằng khẩu súng hơi.
Trấn áp tội phạm trên thực tế không hề dễ dàng và an toàn như tập bắn trong phòng thế này
Đọc đến đây chắc sẽ có người nói: "Tào lao, những người cầm súng được huấn luyện cả về thể chất, kỹ năng và tâm lý rồi. Họ là những người chuyên nghiệp cơ mà.". Xin thưa là hãy gạt bỏ những suy nghĩ như vậy đi.
Cảnh sát, đặc công hay thậm chí là sát thủ thì đều là những người bình thường giống như các bạn và tôi.
Chính vì thế tâm lý con người với tất cả các phản ứng vốn có khi gặp căng thẳng (trừ một vài ngoại lệ có vấn đề về tâm thần, đầu óc) sẽ gây ra tác động tới người cầm súng, thậm chí ngay cả chiến binh được đào tạo bài bản nhất cũng vậy.
Chỉ có trong phim ảnh hoặc sách vở, nơi mà binh lính hay Hitman được huấn luyện như robot từ tấm bé bởi những nhà khoa học điên khùng thì mới không còn tính người, không cảm xúc, không biết sợ hãi mà thôi.
Lý do thứ hai – vài viên đạn vào tay cũng chẳng thể ngăn được kẻ thù
Giả sử nếu người cảnh sát đủ may mắn để bắn trúng một trong tứ chi thì không có gì đảm bảo rằng anh ta đã ngăn chặn được kẻ thù. Rất có thể kẻ đối mặt kia là một người nghiện ma túy hạng nặng đã mất đi cảm giác đau, và một viên đạn vào tay chẳng thể khiến hắn ngã vật ra.
Trái lại điều này sẽ chỉ càng khiến kẻ đó nổi cơn điên và tiếp tục tấn công cho tới khi cạn sức hoặc bị triệt hạ hoàn toàn.
Một buổi diễn tập triệt hạ khủng bố mang bom của cảnh sát Los Angeles, Mỹ
Lý do thứ ba – nhân nhượng với kẻ thù là tàn bạo với chính mình
Nếu một người nào đó trở nên rất nguy hiểm tới mức buộc cảnh sát phải nổ súng vào hắn ta thì tại sao lại phải bận tâm tới việc giữ gìn mạng sống cho kẻ đó? Nghe đạo đức giả quá, vậy thì sinh mạng của người cầm súng không đáng giữ sao?
Làm sao có thể chấp nhận rủi ro cho bản thân để giữ an toàn cho những kẻ đang muốn giết hay làm tổn thương bạn?
Ngay cả khi lương tâm của người cầm súng khó cho phép nổ súng nhưng bản chất của con người là muốn sống và sẽ làm tất cả để được sống, vì thế nên nếu bắt một cảnh sát bằng mọi giá chỉ được bắn vào chân tay kẻ tội phạm nguy hiểm là vô đạo đức và trái tự nhiên.