Doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền
Thông tin từ Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce, từ đầu tháng 4 đến nay, DN đã mở 68 điểm bán hàng tăng cường, trong đó 45 điểm bán ở Hà Nội và 23 điểm bán ở TP Hồ Chí Minh.
Qua quan sát, tại điểm bán hàng lưu động ở chung cư Royal City, hệ thống siêu thị Vinmart đã bố trí điểm bán hàng lưu động ngay sảnh trước khu chung cư, tạo thuận tiện mua sắm, giãn cách xã hội, mua hàng thông thoáng.
Theo chia sẻ của cư dân sống tại Royal City, điểm bán hàng lưu động Vinmart giúp người dân dễ dàng mua thực phẩm mà không sợ tập trung đông người.
Việc mở mới hàng loạt các cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart không chỉ mang những hàng hóa thiết yếu đến gần hơn với người tiêu dùng mà còn giúp người tiêu dùng giảm khoảng cách đi lại, tiếp xúc khi mua sắm.
Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Thái Dũng
Nói về lợi ích mà các điểm bán hàng lưu động mang lại trong dịch Covid-19, Giám đốc hệ thống Vinmart Royal City Trần Thị Quế Hương cho biết, việc triển khai điểm bán hàng lưu động của DN không tập trung vào mục đích lợi nhuận mà chủ yếu góp phần đưa hàng hóa thiết yếu đến gần hơn với người tiêu dùng, giảm lượng người tham gia giao thông, giãn cách tiếp xúc khi mua sắm trong dịch Covid-19.
Tương tự, Tập đoàn BRG cũng vừa mở thêm 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart. Địa điểm các cửa hàng này đa số nằm tại các tuyến phố trung tâm như Hàng Bài, Hàng Buồm, Hàng Đậu, Đội Cấn, Lò Đúc, Tôn Đức Thắng, Thợ Nhuộm, Trung Hòa – Nhân Chính…
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thái Dũng cho biết, hệ thống cửa hàng bán lẻ mới được mở thêm sẽ bảo đảm cung ứng hàng hóa ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng; DN cũng cân đối giảm giá một số mặt hàng từ 5 - 30% và miễn phí giao hàng.
Hà Nội tăng cường dự trữ hàng hóa
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định 12 địa phương có nguy cơ cao (trong đó cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Vì vậy, việc dự trữ hàng hóa vẫn là vấn đề cấp thiết ngành công thương phải thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân trong dịch Covid-19, Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của TP Hà Nội, trong đó tập trung vào cấp độ 3 - 4.
Lượng hàng hóa tại kho của các DN bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày, hiện lên đến 174.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng...
Ngoài ra, DN sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, đẩy mạnh bán hàng online... Nhờ đẩy mạnh hệ thống bán hàng lưu động và kênh bán hàng online, lượng khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị tăng 20 - 30%.
Mặc dù sức mua tăng nhưng lượng hàng hóa dự trữ tại các siêu thị luôn bảo đảm đầy đủ và cung ứng thường xuyên, liên tục với mức giá bình ổn, đặc biệt là 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội.
DN bán lẻ đã triển khai giải pháp hỗ trợ người dân thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của DN, người dân cũng cần nêu cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, loại bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.