Binh lính Ukraine. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo thường niên 2022, Amnesty chỉ trích điều mà họ gọi là sự im lặng của phương Tây trước hồ sơ nhân quyền của Ả-rập Xê-út, tình hình ở Ai Cập và cách đối xử của Israel với người Palestine.
"Phản ứng dữ dội của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Ukraine nhấn mạnh tiêu chuẩn kép, phơi bày cách phản ứng không phù hợp của họ đối với rất nhiều vụ vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc", Tổng thư ký Amnesty Agnes Callamard phát biểu khi trình bày báo cáo tại Paris.
Bà Callamard cho rằng cuộc xung đột xảy ra ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 "giúp chúng ta có cái nhìn hiếm hoi về những gì có thể xảy ra nếu có ý chí chính trị để hành động" khi phương Tây tập hợp lại để hỗ trợ Ukraine.
Nhiều quốc gia áp lệnh trừng phạt với Nga và mở cửa biên giới tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine, còn Tòa án hình sự quốc tế mở cuộc điều tra cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, Amnesty cho rằng cuộc xung đột này làm nổi bật phản ứng yếu ớt của phương Tây về những vụ việc xảy ra ở các nơi khác trên thế giới, như từ chối phản đối hệ thống apartheid của Israel đối với người dân Palestine.
Amnesty, tổ chức Quan sát nhân quyền và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc kết luận rằng cách đối xử của Israel đối với người Palestine cấu thành chính sách apartheid, giống như chính sách tách người da trắng và người da màu ở Nam Phi trước đây.
Amnesty cho rằng, các chính phủ kế tiếp của Israel "triển khai nhiều biện pháp đuổi người Palestine khỏi nhà của họ, mở rộng các khu định cư trái phép, hợp pháp hóa các khu định cư hiện có và những tiền đồn trên khắp Bờ Tây mà họ chiếm đóng".
Bất chấp những điều này, Amnesty cho rằng các nước phương Tây không yêu cầu Israel phải chấm dứt "hệ thống đàn áp".