Những ngày gần đây, Nga liên tục dội tên lửa vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, trong đó có những vụ phóng kết hợp nhiều loại tên lửa khác nhau như Kh-101, Kh-555, "Kalibr", Kh-22, Kh-59 và cả Kh-31P.
Tên lửa hành trình Nga phóng từ biển. Nguồn: AP
Các tên lửa này đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và năng lượng của Ukraine. Giới chức Ukraine thừa nhận việc đánh chặn tên lửa Nga là rất khó khăn do chúng có một số tính năng đặc biệt có thể đánh lừa hệ thống phòng không.
Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Ukraine có thể đánh chặn nhiều tên lửa của Nga, nhưng càng về sau nhiệm vụ càng phức tạp do quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, điều khiển tên lửa bay theo một lộ trình khó xác định.
Giải thích về vấn đề này, Defense Express dẫn thông tin từ một quan chức thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không 138 của Ukraine cho biết, khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga dường như đã đơn giản hóa nhiệm vụ và phóng tên lửa thẳng vào mục tiêu. Nhưng giờ đây, các tên lửa của Nga trở nên cơ động hơn trong suốt hành trình bay, khiến lực lượng phòng không Ukraine khó phát hiện và đánh chặn.
"Tên lửa liên tục thay đổi vận tốc và độ cao. Ngoài thay đổi chiến thuật tấn công tên lửa, đối phương cũng đang sử dụng những vũ khí và máy bay không người lái mới", sĩ quan này cho biết.
Trên thực tế, việc Nga có thể lập trình trước đường bay cho tên lửa là điều không quá bất ngờ. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) có trụ sở tại London (Anh) cho biết, một số tên lửa của Nga có khả năng thay đổi đường bay 80 lần từ lúc phóng đi cho đến lúc lao vào mục tiêu được chỉ định.
Ngoài việc liên tục thay đổi đường bay của tên lửa, Nga cũng sử dụng mồi nhử để đánh lừa hệ thống phòng không của Ukraine. Các quan chức tình báo Mỹ cho biết, loạt tên lửa đạn đạo mà Nga bắn vào Ukraine chứa một điều bất ngờ: Có mồi nhử đánh lừa radar phòng không và tên lửa đánh chặn. Mồi nhử dài khoảng 30cm, giống hình phi tiêu, có màu trắng ở thân và màu cam ở phần đuôi.
Chúng được phóng kèm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M mà Nga phóng đi từ các bệ phóng di động. Mỗi chiếc được trang bị các thiết bị điện tử và tạo ra tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu tín hiệu radar của đối phương đang cố gắng xác định vị trí của Iskander-M, đồng thời phát ra nhiệt để thu hút các tên lửa đánh chặn đang lao tới.
Cũng theo một số nguồn tin tình báo phương Tây, Nga đã tháo đầu đạn khỏi tên lửa hành trình Kh-55 từ thời Liên Xô, biến chúng thành mồi bẫy nhằm đánh lạc hướng và gây khó khăn cho lực lượng phòng không Ukraine.
Lý do Nga chưa cạn kho tên lửa hành trình
Ngoài việc tên lửa Nga sở hữu tính năng đặc biệt khiến hệ thống phòng không khó bắn hạ, điều khiến các chuyên gia quân sự khó hiểu là làm thế nào Nga có thể tấn công liên tiếp bằng tên lửa bất chấp việc chính phủ Ukraine, Lầu Năm Góc và cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Anh khẳng định kho dự trữ tên lửa của Nga đang dần cạn kiệt.
Báo cáo của nhóm điều tra độc lập Conflict Armament Research (CAR) có trụ sở tại Anh cho biết, một số tên lửa hành trình mà Nga phóng vào cơ sở hạ tầng của Ukraine cuối tháng 11 được sản xuất vài tháng sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế Nga tiếp cận với những linh kiện cần thiết cho loại tên lửa này. Sau khi kiểm tra các mảnh vỡ tên lửa được tìm thấy tại thủ đô Kiev sau cuộc tấn công ngày 23/11, nhóm này cho biết, một số tên lửa đã được chế tạo vào mùa hè này và một số được chế tạo vào mùa thu.
Theo báo cáo, việc Nga tiếp tục chế tạo các tên lửa dẫn đường tiên tiến như Kh-101 cho thấy nước này đã tìm ra cách để có được chất bán dẫn và nhiều vật liệu khác bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Khả năng khác là Nga có một kho dự trữ linh kiện lớn trước khi xung đột nổ ra. Tuy vậy, họ không thể xác định liệu mảnh vỡ tên lửa Kh-101 mà họ nghiên cứu là từ những tên lửa đã phát nổ khi lao trúng mục tiêu hay bị bắn hạ trong hành trình bay.
Các tên lửa Kh-101 được đánh dấu bằng dãy số gồm 13 chữ số. Các nhà điều tra cho rằng, ba chữ số đầu tiên đại diện cho nhà máy sản xuất tên lửa, ba chữ số tiếp theo cho biết đó là phiên bản nào trong số hai phiên bản của Kh-101 và hai chữ số khác cho biết thời điểm sản xuất. Một chuỗi năm số cuối cùng được cho là biểu thị lô sản xuất và số sê-ri của tên lửa.
Trước đó, nhóm điều tra này nói rằng, hầu hết thiết bị quân sự tiên tiến của Nga mà họ thu thập được, bao gồm cả radio được mã hóa và máy đo phạm vi laser, đều được chế tạo bằng chất bán dẫn của phương Tây.
Piotr Butowski, một nhà báo Ba Lan chuyên nghiên cứu về máy bay chiến đấu và vũ khí quân sự của Nga cho biết, đánh giá của nhóm điều tra cũng phù hợp với nghiên cứu của ông.
"Ba chữ số đầu tiên luôn là ‘315’ - đây là mã cơ sở sản xuất. "Tên lửa Kh-101 do công ty Raduga ở Dubna gần Moscow phát triển và sản xuất", ông Butowski lưu ý.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã bắn hàng nghìn tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung vào các mục tiêu ở Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Vẫn chưa rõ liệu nước này có cạn kiệt kho tên lửa hành trình hay không. Nhưng theo một số nhà phân tích, quân đội Nga thường có xu hướng sử dụng vũ khí cũ trước, sau đó mới đến vũ khí hiện đại vì chúng thường chiếm số lượng lớn trong kho dự trữ của Nga. Hồi tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Medvedev cho hay nước này đang tăng cường sản xuất mọi loại vũ khí và thiết bị đặc biệt, từ xe tăng và súng ống cho đến tên lửa chính xác cao và máy bay không người lái (UAV). Ông Damien Sleeters, người dẫn đầu cuộc điều tra của CAR cho biết rất khó để nói rằng Nga đang thiếu vũ khí dựa trên tình hình thực tế trong thời gian gần đây./.