Phương tiện quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. (Ảnh: AMN)
Thỗ Nhĩ Kỳ bắn phá Syria
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một vụ tấn công bằng tên lửa xuất phát từ lãnh thổ Syria đã nhằm vào nước này hôm 18/3. Sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành phản công.
“Nhiều tên lửa được phóng từ lãnh thổ Syria sau đó rơi xuống tỉnh Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ. Không có thương vong về người và thiệt hại vật chất sau cuộc tấn công. Phía Nga đã nhận được thông báo về cuộc tấn công từ lãnh thổ Syria”, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ trên Twitter.
Tỉnh Kilis nằm ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và sát biên giới với Syria.
“Sau khi xác định vị trí tên lửa được phóng đi, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức phản công. Các lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở trong khu vực cũng đã được đặt trong tình trạng báo động”, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Các quan chức ở tỉnh Kilis xác nhận có 2 tên lửa được phóng từ lãnh thổ Syria đã rơi xuống địa phương. Tuy nhiên, 2 quả tên lửa này chưa phát nổ.
Cũng theo các quan chức ở Kilis, khả năng 2 tên lửa được phóng từ khu vực Tell Rifaat thuộc tỉnh Aleppo của Syria. Khu vực Tell Rifaat đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đơn phương điều động binh sĩ tới phía bắc Syria từ tháng 10/2019 nhằm tiêu diệt các tay súng người Kurd hoạt động ở vùng biên giới. Lâu nay, Ankara liệt người Kurd vào danh sách khủng bố cần phải tiêu diệt.
Chính quyền Damascus đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm chủ quyền của Syria. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh chiến dịch quân sự của nước này là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong khi đó, theo hãng tin ANN, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho xây dựng một chốt quan sát mới bên trong tỉnh Idlib nhằm tăng cường hàng lang an ninh ở phía đông bắc Syria.
Cụ thể, chốt quan sát mới được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập nằm gần đường giao cắt biên giới Bab Al-Hawa, một trong những tuyến đường quan trọng bậc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây bắc Syria.
Trước đó, các chốt quan sát được Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nằm gần các tiền tuyến ở phía tây bắc và phía bắc Syria. Sự xuất hiện của chốt quan sát mới nhất cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hướng sang bảo vệ khu vực biên giới để phục vụ quá trình đưa binh lính vào lãnh thổ Syria.
Theo thỏa thuận được ký kết vào ngày 17/12/2018, Thổ Nhĩ Kỳ được phép thiết lập 12 chốt quan sát trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, để củng cố sự hiện diện quân sự ở Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho xây dựng hàng chục chốt quan sát nằm ở các tỉnh Aleppo, Idlib, Latakia, Al-Raqqa và Al-Hasakah.
Gần đây nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập trung hoạt động ở Aleppo, Al-Raqqa và Al-Hasakah. Tại đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xảy ra giao tranh với SDF và Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Thổ Nhĩ Kỳ còn nhấn mạnh với phía Nga rằng, Ankara sẽ không để quân chính phủ Syria giành thêm bất cứ ưu thế nào ở 2 tỉnh Aleppo và Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ xem các chốt quan sát mà nước này thiết lập trong lãnh thổ Syria là một trong những biện pháp chính nhằm ngăn chặn quân đội Syria giành ưu thế.
Mỹ đưa 40 xe tải từ Iraq vào Syria
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) dẫn lời nguồn tin giấu tên cho hay, quân đội Mỹ đã điều động một phái đoàn quân sự di chuyển từ Iraq qua đường biên giới al-Walid để vào lãnh thổ Syria.
Theo SANA, phái đoàn khoảng 40 chiếc xe tải của Mỹ dưới sự hộ tống của các xe quân sự bọc thép đã tiến vào lãnh thổ Syria.
Cụ thể, phái đoàn của Mỹ chở theo vũ khí, đạn dược, thiết bị hậu cần và xe lạnh từ Iraq để tới căn cứ quân sự của Mỹ nằm gần sân bay Kharab al-Jeir thuộc tỉnh Hasaka.
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2021, quân đội Mỹ được báo cáo điều động các phái đoàn quân sự để vận chuyển thiết bị và vũ khí từ Iraq tới những căn cứ quân sự ở Syria. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng tiếp tục đưa binh sĩ tới phía đông Syria.
Trước đây, khi còn giữ chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng 2 lần hứa sẽ dừng triển khai quân đội ở Syria nhưng vẫn duy trì một lực lượng quy mô nhỏ hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Trump nhấn mạnh, mục đích là để “giữ dầu mỏ” khỏi bị rơi vào tay các lực lượng khủng bố ở Syria, dù trên thực tế, các nhóm khủng bố ở Syria chỉ còn tập trung ở tỉnh Idlib.
Chính quyền Damascus đã nhiều lần lên tiếng phản đối Mỹ điều động quân khi xem đây là hành động bất hợp pháp để đánh cắp các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là ở khu vực giàu dầu mỏ thuộc những tỉnh phía đông nước này.
Nga và Iran cũng ủng hộ cáo buộc từ phía Syria, đồng thời yêu cầu Mỹ rút quân khỏi lãnh thổ Syria.
Hôm 18/3, Bộ trưởng Dầu mỏ và Các nguồn Tài nguyên Syria là ông Bassam Tohme cho hay tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp liên quan tới ngành dầu mỏ ở Syria là hơn 92 tỉ USD.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Al-Ikhbariya, ông Tohme nhấn mạnh các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và quân đồng minh chiếm hơn 90% trữ lượng dầu mỏ tại Syria.
“Mỹ và đồng minh hành động như cướp biển khi nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria và tấn công các tàu chở dầu”, ông Tohme nói.
Cũng theo ông Tohme, Mỹ cố tình ngăn chính phủ Syria được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên dầu mỏ trên lãnh thổ quốc gia.
Trên thực tế, quân đội Mỹ và đồng minh là nhóm phiến quân SDF đang kiểm soát bãi dầu Al-Umar, khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở Syria. Mỹ và SDF kiểm soát Al-Umar sau khi đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong chiến dịch tấn công phía đông sông Euphrates.