UAV Orion của quân đội Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
UAV Nga tấn công phe của Thổ Nhĩ Kỳ
Lần thứ 2 trong tháng này, các máy bay không người lái (UAV) đã tấn công vào khu vực mà lực lượng phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tổ chức buôn lậu dầu mỏ ở tỉnh Aleppo.
Theo hãng tin AMN, các UAV đã tiếp cận khu vực buôn lậu dầu mỏ của lực lượng được Ankara chống lưng tại thị trấn Tarheen vào tối ngày 24/1.
Những chiếc UAV tham gia vụ tấn công đến nay vẫn chưa thể xác định rõ là của lực lượng nào. Nhưng theo nguồn tin, khả năng đây là UAV của Nga. Các UAV đã cho phóng loạt tên lửa vào vị trí buôn lậu dầu, tạo ra những tiếng nổ lớn ở thị trấn Tarheen.
Loại UAV Nga tham gia cuộc tấn công trên được cho là Orion, UAV tầm trung có khả năng tự cất hạ cánh. UAV Orion được công ty Kronshtadt Group phát triển từ năm 2011 và ra mắt vào năm 2017. UAV Orion có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ với khối thiết bị trinh sát nặng 200 kg.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng bình luận về vụ tấn công trên. Nhưng cuộc tấn công của UAV Nga được cho nhằm ngăn chặn các lực lượng phiến quân cố tình đánh cắp và buôn lậu dầu mỏ được khai thác trên lãnh thổ Syria.
Nga không kích liên tiếp ở miền trung Syria
Không quân Nga liên tiếp cho triển khai các đợt không kích ở miền trung Syria vào ngày 25/1. Mục tiêu trong đợt không kích của Nga là vị trí ẩn náu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở vùng Badiya Al-Sham.
Nguồn tin từ tỉnh Homs cho hay, không quân Nga tập trung ném bom xuống các vị trí của IS nằm ở giữa Al-Resafa và Ithriya, khiến IS hứng chịu thiệt hại đáng kể.
Ngoài ra, không quân Nga còn tiến hành tấn công ở khu vực giữa tỉnh Homs và Deir Ezzor, đánh sập nhiều vị trí ẩn náu của IS nằm gần thị trấn Al-Sukhnah của tỉnh Homs và Al-Shoula của tỉnh Deir Ezzor.
Việc Nga cho tăng cường không kích trong thời gian gần đây được cho là nhằm gia tăng sức ép với IS, lực lượng khủng bố đang không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động ở miền trung và đông Syria trong vài năm qua.
Trong khi đó, IS cũng tổ chức các trận đánh hàng ngày nhằm vào quân đội Syria và quân đồng minh của chính quyền Damascus ở vùng Badiya Al-Sham.
Động thái của IS khiến quân đội Nga buộc phải triển khai thêm lực lượng tăng cường tới một số mặt trận ở phía đông và miền trung Syria.
Cụ thể, trong vài ngày qua, các phái đoàn quân sự Nga được nhìn thấy di chuyển về phía vùng sa mạc Badiya Al-Sham của Syria để tham gia cuộc chiến chống IS trên mặt đất.
Theo Sputnik, phái đoàn quân sự Nga gồm các xe bọc thép chiến đấu, xe bọc thép chở quân và xe tải chở thiết bị hậu cần tới hỗ trợ lực lượng đóng quân ở vùng sa mạc.
Một nguồn tin quan trọng cho biết, nhằm phối hợp hành động với các đơn vị của quân đội Syria và cảnh sát quân sự Nga, lực lượng tăng viện của Nga đã tới vùng Badiya Al-Sham nằm giữa các tỉnh Hama, Raqqa và Homs.
Nguồn tin xác nhận thêm, những đoàn xe tăng viện khác của Nga cũng đã có mặt ở sa mạc của tỉnh Deir Ezzor đặc biệt là khu vực Bajab và Shoula sau khi chứng kiến IS đang trỗi dậy ở các khu vực này.
Theo nguồn tin, đây là số lượng binh sĩ tăng cường có quy mô lớn nhất mà Nga từng điều động tới vùng sa mạc Badiya Al-Sham trong vòng 5 năm qua.
Các lực lượng quân sự Nga hiện tập trung củng cố vị trí ở vùng Badiya Al-Sham bằng cách cho điều động thêm binh sĩ và tiến hành thêm các chuyến bay trinh sát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn IS tổ chức tấn công trong vùng.
Quân đội Syria và người Kurd đụng độ
Hàng loạt cuộc xung đột xảy ra giữa Lực lượng Quốc phòng Quốc gia (NDL) của chính quyền Damascus với lực lượng cảnh sát Asayish do người Kurd đứng đầu ở phía đông bắc Syria vào ngày 23/1. Các trận giao tranh giữa hai bên kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Theo ghi nhận, va chạm bùng nổ khi NDF và Asayish tranh chấp dọc đường tiền tuyến của hai lực lượng ở bên trong thành phố Qamishli thuộc tỉnh Al-Hasakah. Qamishli hiện là một trong những thành phố lớn nhất của Syria.
Đụng độ khiến lực lượng cảnh sát quân sự Nga phải can thiệp. Theo đó, phía Nga đã giải tán giao tranh giữa NDF và Asayish, đồng thời thiết lập lại an ninh ở giữa khu vực Sân bay Quốc tế Qamishli và các vùng lân cận đang nằm dưới sự kiểm soát của Asayish.
Dù báo cáo cho biết sự yên bình đã trở lại ở thành phố Qamishli và các vùng lân cận, nhưng một số vụ giao tranh giữa quân chính phủ Syria với các lực lượng do người Kurd đứng đầu vẫn xảy ra ở tỉnh Al-Hasakah.
Căng thẳng gần đây xuất phát sau khi phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu bắt đầu ngăn chặn lối ra vào thành phố Qamishli, khiến người dân địa phương và các nhân viên chính phủ tổ chức biểu tình.
Ngoài ra, chính phủ Syria cáo buộc SDF và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đang cố tình ngăn chặn sự phát triển kinh tế ở Syria khi chặn tuyến đường thương mại giữa hai bờ sông Euphrates.
Hiện SDF chưa lên tiếng bình luận trước cáo buộc của chính quyền Damascus.