Tình hình Syria: Nga hé lộ vũ khí hóa học mới được tuồn vào Idlib

Minh Thu |

Nga hé lộ phiến quân Syria đưa chất độc clo tới Idlib; Mỹ xây dựng thêm căn cứ quân sự tại khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ của Syria là những diễn biến mới của tình hình Syria.

Phiến quân đưa khí độc clo tới Idlib

Các quan chức quân đội Nga ở Syria cho hay, lực lượng phiến quân hồi giáo ở tỉnh Idlib đã vận chuyển một số thùng chứa chất độc clo cho tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng để chuẩn bị dàn dựng một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở khu vực này.

Hôm 13/10, Thiếu tướng Alexander Grinkevich của Trung tâm Tái hòa giải dân tộc Syria của Nga thuộc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, cơ quan này đã nhận được thông tin và có bằng chứng xác thực các tay súng phiến quân ở tỉnh Idlib đang chuẩn bị cho hành động mới mang tính khiêu khích bằng việc sử dụng khí clo ở ngôi làng Sfuhon, phía nam Idlib.

“Trung tâm Tái hòa giải dân tộc Syria của Nga đã nhận được thông tin về quá trình chuẩn bị mà các nhóm phiến quân đang tiến hành nhằm thực hiện hành động khiêu khích sử dụng khí clo ở phía nam vùng hạ nhiệt căng thẳng Idlib, sau đó đổ lỗi cho quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường”, Sputnik dẫn lời Tướng Grinkevich.

Cũng theo quan chức Nga, tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng vốn có mối liên hệ với các nhóm khủng bố như al-Qaeda đang chiến đấu chống lại quân đội Syria cũng đã có mặt ở làng Sfuhon.

Báo cáo hôm 13/10 của quân đội Nga là thông tin mới nhất về việc các tay súng nổi dậy ở tỉnh idlib có ý định tấn công bằng vũ khí hóa học. Mục đích của hành động này là nhằm mở đường cho các nước phương Tây có cớ để tấn công chính phủ Syria bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt hoặc tổ chức không kích.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 12/10, Trung tâm Tái hòa giải dân tộc Syria của Nga cho hay, các nhóm khủng bố đã thực hiện 15 cuộc tấn công ở phía bắc tỉnh Idlib.

Idlib hiện là một trong những cứ điểm cuối cùng của các tay súng khủng bố và phiến quân Syria với sự hiện diện chủ yếu của tổ chức Hayat Tahrir al-Sham mà trước đây gọi là Mặt trận Nusra. Ngoài Idlib, phiến quân Syria còn thi thoảng tấn công tỉnh Aleppo.

“Chúng tôi ghi nhận 15 vụ pháo kích vào vùng hạ nhiệt căng thẳng Idlib từ vị trí của nhóm Nusra”, Tướng Grinkevich nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, ủy ban Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang giám sát lệnh ngừng bắn ở Syria và ghi nhận một số vụ vi phạm thỏa thuận ở các tỉnh như Latakia, Aleppo và Hama.

Mỹ lập căn cứ mới ở Syria

Sputnik đưa tin, quân đội Mỹ đang cho xây dựng một căn cứ quân sự mới ở sa mạc Badia thuộc thị trấn al-Baghuz của tỉnh Deir ez-Zor. Khu vực Mỹ xây căn cứ mới nằm cách biên giới Iraq dọc sông Euphrates khoảng 12 km.

Nguồn tin chia sẻ với Sputnik cho hay, công việc xây dựng căn cứ đã bắt đầu từ tuần trước và phần công trình đầu tiên được triển khai là đường băng lên thẳng để đảm bảo công tác hậu cần. Ngoài ra, phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã điều động binh sĩ tới khu vực mà Mỹ đang triển khai xây dựng căn cứ mới để làm công tác đảm bảo an ninh từ ngày 12/10.

Mỹ hiện duy trì hoạt động của 3 căn cứ quân sự ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria bao gồm gần bãi dầu al-Omar và nhà máy khí đốt Koniko cũng như ở vùng biên giới giữa hai tỉnh Deir ez-Zor và Raqqa.

Trong một diễn biến liên quan, Sputnik cho hay quân đội Mỹ và các tay súng SDF đã tiến hành 3 ngày lục soát và truy quét nhiều ngôi nhà dân sinh ở thị trấn Theban, al-Hawaij, al-Busirah và al-Shuhail, đồng thời bắt giữ hơn 50 người.

Hồi cuối tuần qua, người dân ở Hasakah chia sẻ với hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) rằng, một phái đoàn gồm 20 chiếc xe bồn chở dầu đã rời khu vực Jazira đang bị Mỹ và SDF nắm quyền kiểm soát, để di chuyển tới vùng biên giới Al-Waleed nằm giữa Syria và Iraq. Hồi tháng trước, 35 xe chở dầu cũng đã đi qua khu biên giới Al-Waleed.

Là nơi tập trung nhiều mỏ dầu và khí đốt trên lãnh thổ Syria, hai tỉnh Hasakah và Deir ez-Zor trở thành những điểm nóng căng thẳng giữa quân đội Syria với SDF và các lực lượng quân sự nước ngoài tới hoạt động trái phép. Khu vực này còn chứng kiến nhiều vụ đối đầu căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát quân sự Nga và quân đội Mỹ.

Trước thời điểm cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, Syria sử dụng nguồn trữ lượng dầu mỏ dồi dào để tự cung tự cấp năng lượng và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo đó, số tiền xuất khẩu nhiên liệu từng chiếm 20% tổng nguồn thu của chính phủ Syria.

Còn hiện tại, theo chính quyền Damascus, quân đội Mỹ và các tay súng người Kurd đang cố tính đánh cắp dầu mỏ khỏi Syria.

Song chính phủ Mỹ đã phủ nhận lời cáo buộc của chính quyền Damascus đưa ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhiều lần đưa ra tuyên bố cho hay, quân đội Mỹ ở Syria là để “bảo vệ” các mỏ dầu Syria và ngăn chặn nguồn vàng đen rơi vào tay quân đội Syria và các nhóm khủng bố.

Vào thời điểm, Tổng thống Trump hạ lệnh rút quân khỏi Syria vào tháng 10/2019, trên thực tế, Mỹ vẫn không hoàn toàn đưa các binh sĩ nước này ra khỏi lãnh thổ Syria. Thay vào đó, một nhóm binh sĩ vẫn ở lại phía bắc Syria, nơi SDF đang kiểm soát, với tuyên bố bảo vệ các mỏ khai thác dầu ở khu vực.

Hồi tháng 10/2019, quân đội Nga cho công bố bản báo cáo tình báo ghi nhận Mỹ có hoạt động buôn lậu dầu mỏ ở Syria, đồng thời cáo buộc Lầu Năm Góc cùng các nhà thầu tư nhân, CIA và các tay súng người Kurd đánh cắp số dầu mỏ trị giá 30 triệu USD/tháng từ Syria.

Hôm 11/10, RT cho hay liên quân do Mỹ đứng đầu đã điều động hàng loạt phương tiện quân sự tăng cường tới căn cứ quân sự ở tỉnh Al-Hasakah của Syria giữa lúc căng thẳng với người dân địa phương không ngừng gia tăng.

Ngoài ra, một phóng viên của RT công tác ở phía đông bắc Syria cũng đã phát hiện nhiều xe bồn chở dầu được khoảng 54 chiếc xe tải hậu thuẫn di chuyển trên tuyến đường cao tốc M-4 giữa Qamishli và Hasakah.

Phóng viên này xác nhận, phái đoàn trên di chuyển vào lãnh thổ Syria thông qua cửa ngõ biên giới Al-Walid sát Iraq.

Sự xuất hiện của phái đoàn trên diễn ra đúng thời điểm Syria đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề do tình trạng cháy rừng trên quy mô lớn tàn phá một số khu vực ở vùng ven biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại