Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh Bộ trưởng Tư pháp William Barr giải mật tất cả thông tin tình báo biện minh cho cuộc điều tra đình đám của công tố viên đặc biệt Robert Mueller . Theo tờ Politico, lệnh này sẽ tạo ra một cuộc đấu giữa Bộ Tư pháp và cộng đồng tình báo quốc gia. Hơn nữa, nó có thể dẫn đến việc nhiều quan chức xin thôi việc và đe dọa khả năng của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) trong việc quản lý nguồn tin và tình báo mật.
Điệp vụ bí mật sắp được bật mí?
Theo tờ The New York Times, cuộc điều tra và giải mật của Bộ trưởng Barr có thể gây ra rủi ro đối với “tài sản” của CIA. Tờ nhật báo còn mô tả về nhân vật được cho là đã nói với CIA về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và cũng là người gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, nguồn tin này là nam giới, còn sống, đã hợp tác với CIA từ lâu và có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho CIA.
Cựu quan chức CIA John Brennan xem nguồn tin này quan trọng đến mức ông có thể nộp báo cáo từ nguồn tin thẳng đến Nhà Trắng mà không phải thông qua tại cuộc họp hằng ngày của cơ quan tình báo với tổng thống vì sợ tài liệu sẽ bị phổ biến rộng rãi. Thay vào đó, ông sẽ đặt chúng trong một phong bì gửi cho cựu tổng thống Barack Obama.
Truyền thông Mỹ cho biết những mô tả kể trên đã đủ để cơ quan tình báo xác định danh tính của nhân vật bí ẩn này. Dựa vào các tài liệu tham khảo của cựu nhân viên tình báo Christopher Steele, có hai người phù hợp với mô tả mà tờ The New York Times cung cấp.
người thứ nhất là ông Vyacheslav Trubnikov, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao và là cựu giám đốc của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga. Đáng chú ý, ông Trubnikov được cho là có mối quan hệ với điệp viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Stefan Halper sau khi tham gia các khóa học do ông Halper đồng giảng dạy vào các năm 2012 và 2015.
Người thứ hai là một nhân vật khá “mờ ám” trong giới chính trị Nga, ông Vladislav Surkov. Theo tài liệu, ngoài việc là một cố vấn riêng của Tổng thống Putin về Ukraine, ông Surkov còn được cho là “nhà công nghệ chính trị”, hay là người tạo ra và định hình dư luận.
Ông James Baker, cựu luật sư cao cấp của FBI, cho biết lệnh giải mật đe dọa sẽ tiết lộ các nguồn tin tình báo Mỹ và có thể “bóp méo” vai trò của FBI và CIA trong cuộc điều tra Nga. “Đây là một cái tát đối với giám đốc cơ quan tình báo quốc gia” - tờ The Washington Post dẫn lời ông Baker cho biết.
Hành động “cầm đèn chạy trước ô tô”
Quyết định của Tổng thống Trump trao quyền cho Bộ trưởng Barr đã làm choáng váng các cựu nhân viên an ninh quốc gia Mỹ và đặt Bộ Tư pháp nước này trong tình thế phải “đụng độ” với cộng đồng tình báo quốc gia, theo tờ Business Insider.
Tổng thống Trump, ông Barr và một số quan chức khác lập luận rằng cuộc điều tra sẽ cho công chúng thấy được một cái nhìn chính đáng về việc chính phủ Mỹ lạm dụng thẩm quyền của mình nhằm phục vụ cho các động cơ chính trị. Trên tờ Politico, ông Trump còn bảo vệ quyết định của mình và xem nó là một động thái ủng hộ sự minh bạch. Hơn nữa, ông cũng ca ngợi Bộ trưởng Barr là nhân vật lý tưởng để đánh giá những gì nên được công bố.
1.271 và 1.931 là số tổ chức chính phủ và công ty tư nhân ở 10.000 địa điểm của Mỹ đang hoạt động chống khủng bố, an ninh nội địa và tình báo.
(Theo báo cáo của The Washington Post năm 2010)
Cựu luật sư cao cấp của CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), ông Robert Deitz, mô tả lệnh mới của ông Trump là “sự xúc phạm trực tiếp” đến quan chức lãnh đạo của cộng đồng tình báo.
Thông thường, trong một cuộc điều tra như vậy, ông Barr sẽ chuẩn bị một báo cáo về vấn đề này và yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp cao tại NSA, CIA, Văn phòng giám đốc Tình báo Quốc gia và các cơ quan khác giải mật những tài liệu cụ thể mà không làm tổn hại đến quá trình thu thập thông tin tình báo. Theo ông Deitz, hành động của Bộ trưởng Barr chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Quan trọng hơn, nhiều quan chức cho rằng lệnh giải mật của tổng thống đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của các nguồn tin tình báo Mỹ ở nước ngoài.
“Có một lý do tại sao CIA rất cảnh giác trong việc bảo vệ các nguồn tin của mình. Bởi vì cuộc sống của họ được đặt ở trên ranh giới với cái chết. Ông Barr hoặc không biết điều đó hoặc ông ta không quan tâm. Dù sao đi nữa, điều này thật khủng khiếp” - một cựu nhân viên tình báo trả lời phỏng vấn trên tờ Business Insider.
Bên cạnh đó, việc chính trị hóa các nguồn tin và phương pháp điệp vụ có thể gây tác động lớn đến khả năng thu thập thông tin của nhân viên. Cựu nhân viên FBI Frank Montoya Jr. lo ngại sẽ chẳng có nguồn tin nào chịu hợp tác với cơ quan tình báo nếu danh tính của họ không được bảo vệ. Tính mạng của nguồn tin sẽ bị nguy hiểm nếu thông tin cá nhân của họ trở nên công khai, cựu nhân viên này nói thêm.
Theo tờ The Guardian, để tìm kiếm các nguồn tin từ nhiều quốc gia như Iran hay CHDCND Triều Tiên, cơ quan tình báo Mỹ sẽ gửi các điệp viên tham gia những hội nghị khoa học hoặc thậm chí tổ chức những sự kiện giả của chính họ. Theo một cựu điệp viên CIA, mỗi dịch vụ tình báo trên thế giới đều làm việc với các hội nghị và tìm cách để đưa người của họ đến tham gia.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế Prague (Cộng hòa Czech) Mark Galeotti cho biết việc tuyển dụng nguồn tin là một quá trình lâu dài mà bước đầu tiên là sắp xếp điệp viên có mặt ở cùng sự kiện với đối tượng.
“Mặc dù ban đầu chỉ là những cuộc trao đổi bình thường nhưng lần sau khi gặp lại, họ có thể hỏi: “Tôi đã thấy bạn ở Istanbul phải không nhỉ?”” - ông Galeotti trả lời tờ The Guardian.