Vào thập niên 1980, Mỹ đã thừa nhận Liên Xô là quốc gia "cứng đầu" nhất trong việc chống trả với đòn tấn công hạt nhân. Ngày nay, giới lãnh đạo ở Washington một lần nữa lại đánh giá năng lực an ninh của Nga trước nguy cơ một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của kẻ thù.
Theo đài RIA Novosti (Nga), những thông tin chiến lược mà USSTRATCOM (Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách chiến lược) và các cơ quan tình báo Mỹ sẽ sớm bắt đầu thu thập theo lệnh của Quốc hội Mỹ bao gồm "địa điểm và mô tả những hệ thống giao thông ngầm có tầm quan trọng về chính trị và quân sự".
"Từ lâu, USSTRATCOM và các cơ quan tình báo Mỹ đã biết về hệ thống các sở chỉ huy an ninh chặt chẽ dành cho các nhà lãnh đạo cao cấp Nga, hệ thống các kênh liên lạc và chỉ huy của giới chức quân sự cũng như mức độ ổn định cao của các lực lượng mặt đất và một phần của lực lượng hải quân Nga", đại tướng Vladimir Dvorkin, cựu giám đốc Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 4 thuộc Bộ Quốc phòng Nga, trả lời phỏng vấn tờ Gazeta.
"Khi Liên Xô đối mặt với mối đe dọa Mỹ, chúng tôi đã tạo ra Hệ thống Perimetr (được phương Tây gọi là "bàn tay chết") - tướng Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện Các vấn đề địa chính trị, trả lời phỏng vấn tờ Vzglyad - "Hệ thống này là một bản sao bộ tư lệnh, sẽ lập tức ra lệnh phóng tên lửa trong trường hợp các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước qua đời".
Toàn bộ các boongke bí mật và các thành phố đặc biệt tại Nga đều nằm dưới sự quản lý của Cơ quan An ninh quốc gia Nga (FSB) và Ban giám đốc Chương trình đặc biệt của Tổng thống Nga, và có rất ít thông tin được tiết lộ về chúng.
Thi thoảng có một số thông tin rò rỉ trên truyền thông về hệ thống boongke và thành phố ngầm, chủ yếu từ các tài liệu đã được KGB giải mật.
Tờ Vzglyad cho hay, một thành phố ngầm có thể chứa 15.000 người tọa lạc tại quận Ramenki của Moskva, khu vực nằm giữa Đại học Moskva và phố Udaltsov. Một khu dân cư ngầm dành cho tổng thống và các tướng lĩnh quân đội cũng được xây dựng cách Magnitogorsk (vùng núi Yamantau), gần khu nghỉ dưỡng Abzakovo, khoảng 60km.
"Mezhgorie là một thành phố kín gần dãy núi Yamantau, vùng Ural, nó được xây từ thời Chiến tranh Lạnh. Nơi đây được truyền thông gọi là ‘boongke của Putin’", trang Gazeta.ru cho biết.
Hệ thống an ninh "đúp ba"
Thập niên 1980, Liên Xô đã xây các boongke dành cho lãnh đạo cấp cao, sau đó nước Nga thời hậu Xô viết dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin tiếp tục xây dựng hệ thống phòng vệ hạt nhân. Dưới thời Tổng thống Putin, hệ thống này được hiện đại hóa và hiện tại có thể duy trì hoạt động trong 3 tháng", tướng Ivashop tiết lộ với tờ Vzglyad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao Nga được bảo đảm an toàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Ngày nay, sự an toàn của các nhà lãnh đạo Nga được đảm bảo hoàn toàn, và không chỉ là hệ thống boongke ngầm.
"Hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa luôn sẵn sàng. Chỉ một động thái của lực lượng hạt nhân chiến lược đối phương, dù chỉ là một cuộc phóng thử, cũng bị Lực lượng vũ trụ Nga quan sát. Đó là hệ thống an ninh đúp ba.
Chúng tôi có hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu về tấn công tên lửa, và hệ thống này được 'nhân bản' thành một hệ thống tương tự bay trên quỹ đạo Trái đất", trung tướng Andrei Bizhev, cựu phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trụ Nga cho tờ Vzglyad hay.
Tháng 10 năm ngoái, truyền thông phương Tây từng rộ tin Nga đã xây dựng các boongke hạt nhân khổng lồ có thể cung cấp nơi trú ẩn cho 12 triệu người dân Moskva để chuẩn bị sẵn sàng cho một đòn tấn công hạt nhân.
Thông tin về những boongke này được một số quan chức Nga tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Kremlin và Washington xung quanh việc Nga can thiệp quân sự ở Syria.