Tôi rất thú vị khi thấy trước những chất vấn công khai từ đại biểu, cả hai vị bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương đều phải thừa nhận các khâu yếu có tính cốt tử trong điều hành của hai bộ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. (đọc tin chính)
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng khâu quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất hàng hóa khác là nắm bắt nhu cầu và tín hiệu thị trường.
Đúng vậy, không thể cứ trông chờ vào giải cứu, rồi giải cứu nữa, và giải cứu tiếp tục... đủ mọi loại nông sản như suốt những năm qua.
Nông dân phải được giúp đỡ để thực sự tự hào là người làm chủ ruộng đất, nuôi sống xã hội. Họ không đáng bị coi là những nạn nhân luôn đi xin lòng thương cảm của người tiêu dùng.
Hồ Gươm: Đừng vừa vái lạy cụ Rùa vừa vứt rác xuống nhà cụ
Công khai hỏi ý kiến người dân để tìm ra những giải pháp hợp lý nhất cho việc nạo vét hồ Gươm, một danh thắng giữa lòng thủ đô vốn đã bị ngược đãi quá nhiều (đọc tin chính) là Tin tốt lành tiếp theo từ Hà Nội.
Nó cho thấy thái độ cầu thị đúng đắn của chính quyền Hà Nội, và để hưởng ứng một cách thực tế nhất điều này, tôi muốn không ít người dân Hà Nội nhìn lại cách cư xử của mình với hồ Gươm.
Miệng thành kính xuýt xoa "cụ Rùa" nhưng tay ném ngập nhà cụ bằng vô vàn rác bẩn, khiến hồ biến thành ao, tệ hơn nữa-biến thành một thứ cống thải, không nhẹ hơn được, đó chính là thói đạo đức giả.
Cho nên ngoài việc nạo vét hồ, tôi nghĩ Hà Nội cần thẳng tay phạt nặng những hành vi phá hoại hồ. Danh tính những người phá hoại cũng cần công khai cho họ xấu hổ.
Một sự kiện hết sức thú vị khác: Khi chính quyền Đà Nẵng công khai những doanh nghiệp nợ đến hơn 400 tỷ tiền thuê đất (đọc tin chính) thì một doanh nghiệp lập tức phản hồi, nêu rõ con số chứng minh số tiền mà chính quyền Đà Nẵng đang nợ họ cao gấp gần 7 lần số họ nợ. (đọc tin chính)
Tôi cho đây chính là sức mạnh của truyền thông, của việc công khai minh bạch khiến thông tin được đa chiều và ngày càng tiệm cận với sự chính xác. Bạn đọc ở Đà Nẵng nhớ theo dõi cuộc tranh luận thẳng thắn này nhé.
Dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế hoàn thành từ 2 năm trước nhưng TP Đà Nẵng chưa bố trí được vốn để thanh toán.
Sài Gòn: Tay chơi facebook và những hố ga không mùi
Cũng sức mạnh của sự minh bạch trên truyền thông đã khiến Sở VHTT TP.HCM phạt ngay Công viên nước Đầm Sen vì có màn trình diễn phản cảm trước mặt du khách, sau khi có những phản ánh trên mạng xã hội. (đọc tin chính)
Chơi facebook như vậy mới đáng là tay chơi, ích nước lợi nhà đúng không các bạn?
Những tin tốt lành nữa cho những người ở Sài Gòn, những người đến Sài Gòn và khiến tôi vô cùng mong chờ kết quả: Ngày 12/6, Phó chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Văn Khoa đã chỉ đạo các quận huyện và Sở Tài nguyên môi trường TP phối hợp lắp đặt mạng lưới nhà vệ sinh công cộng và thùng rác công cộng.
Các điểm có nguy cơ hoặc thường xảy ra vi phạm sẽ được lắp camera để làm cơ sở xử lý.
Và những hố ga mới ngăn được mùi hôi bốc lên, cũng như khiến nước không bị tràn ra sắp tới sẽ được lắp đặt thí điểm tại nhiều tuyến đường hay bị ngập ở Sài Gòn. (đọc tin chính).
Cùng với việc thanh niên tình nguyện đi vẽ đẹp các nắp hố ga mà Tin tốt lành từng giới thiệu, các hố ga sạch như thế này sẽ khiến người dân không phải bịt lấp miệng nó để chống hôi hám và ruồi nhặng đồng thời thoát nước nhanh chóng hơn.
Bạn sẽ rất vui mừng với những tin tốt lành này như tôi, khi đi bộ trên lề đường phải nhảy tránh những cái miệng cống đầy rác rưởi bẩn thỉu như những vết lở loét trên gương mặt cô gái Sài Gòn.
Khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh những góc đẹp nhất của nhà thờ Đức Bà ngay giữa trung tâm thành phố phải rào lại để chống cảnh "tiểu đường", hay cảnh một phụ nữ bán hàng rong dòm quanh quất rồi kiếm một gốc cây cảnh rậm... vì không phải chỗ nào cũng có nhà vệ sinh công cộng miễn phí.
Ngay ở Đường sách Nguyễn Văn Bình cũng không có nhà vệ sinh công cộng. Tất cả đều dùng nhờ tiệm Mc Donald ngay đó...
Nhà báo Khải Đơn đã có nhiều bài viết rất hay về điều này, và tuy rất yêu mến cô ấy nhưng tôi thực sự mong rằng cô ấy sẽ không còn dịp viết bài báo nào về chủ đề này nữa, vì Sài Gòn đã sạch.
Nhà vệ sinh tiêu chuẩn "5 sao" tại công viên Lê Văn Tám (quận 1) do một ngân hàng xây dựng. Ảnh: NLĐO.
Người sống với người như thế nào?
Hôm qua tôi đọc trên facebook một bạn bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh mà từ lâu tôi rất thích:
HỎI
Tôi hỏi đất:
- Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
1992
( Trích trong tập Thư mùa đông )
Tôi đi tìm, và tôi thấy người sống với nhau như thế này đây:
53 thành viên là giáo sư, bác sĩ, thực tập sinh Trường đại học Mercer (Mỹ) tình nguyện điều trị miễn phí bệnh xương khớp và gắn chân giả cho hàng ngàn người tàn tật. (đọc tin chính).
Một "người khùng" ở Nghệ An cho mượn ngôi nhà hai tầng khang trang làm điểm sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông. (đọc tin chính).
Một bà tiên 90 tuổi ở Tây Ninh, lưng còng gập nhưng suốt 40 năm nay đi xin vải vụn về tự tay may thành chăn đắp để tặng cho người nghèo. (đọc tin chính)
Những anh CSGT giúp dân đẩy xe qua tuyến đường ngập nặng. (đọc tin chính)
Những vị chân tu nuôi dưỡng hơn 100 em nhỏ bị bỏ rơi hoặc nhà nghèo không được đi học.
Một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội 11 năm nay tình nguyện đi tổ chức các sân chơi dân gian cho trẻ em để giữ gìn các giá trị văn hóa một cách sống động.
Người sống với người ra sao?
Xin cho tôi câu trả lời từ hành động của bạn.