TIN TỐT LÀNH 22/11: “Ryan Giggs, anh có nghĩ Mourinho đã chê đúng về người Việt?"

Bùi Hải |

Khi hai danh thủ Ryan Giggs, Scholes ngỏ ý muốn giúp Việt Nam có mặt tại World Cup 2030, một số người đã ném đá. Với họ, đó là một giấc mơ không có thực.

"Nổi tiếng"

Khi Giggs và Sholes chưa tới Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã có nhiều dịp "nổi tiếng" trên trường quốc tế.

Chỉ có điều, mỗi lần chúng ta nổi lên ở xứ người, hàng chục triệu tín đồ túc cầu giáo quê nhà lại phải cúi xuống ngậm ngùi.

3 năm trước, khi Tây Ban Nha để thua 0-2 trước Chile ở lượt hai và chính thức bị loại ngay sau vòng bảng World Cup, truyền thông Tây Ban Nha đâm thọt:"Đừng nói Chile, ngay cả Việt Nam cũng đủ sức đánh bại Tây Ban Nha".

4 năm trước, người đặc biệt Jose Mourinho đã đưa Việt Nam ra làm mồi nhậu khi muốn chứng tỏ sự chuyên nghiệp của mình: "Khi bạn huấn luyện một đội bóng với 20 cầu thủ và 1 quả bóng, thì dù ở Real hay Việt Nam, công việc vẫn vậy".

5 năm trước, vì muốn chỉ trích trọng tài trong trận Real - Sevilla, Mourinho đã cạnh khóe: "Trọng tài đã mắc 13 lỗi nghiêm trọng. Nếu là một khán giả, tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền mua vé xem trận đấu này.

Còn nếu ở nhà, tôi thà bật kênh Eurosport để xem một trận đấu ở Việt Nam còn hơn". (đọc tin chính)

6 năm trước, tờ Marca giật tít: "Phải chăng Raul và Soldado là người Việt Nam nên không được gọi vào tuyển Tây Ban Nha?" khi HLV Vicente Del Bosque không triệu tập hai chân sút này.

7 năm trước, vì để thua đậm Argentina (tỉ số 1-4) trong một trận giao hữu, tờ AS của nước này đã mai mỉa: "Trong 15 phút đầu, các nhà ĐKVĐ thế giới chơi bóng không khác gì Việt Nam".

8 năm trước, Mourinho, khi đang ở Inter Milan, cũng đã nhếch mép nói kháy nền bóng đá ở vùng trũng của thế giới: "Năm nay cả Juventus lẫn AC Milan đều có nhiều sự thay đổi về đội hình.

Họ đều không phải đối thủ dễ đánh bại. Muốn giành chiến thắng ở bất kỳ giải đấu nào cũng không hề dễ dàng, kể cả ở Việt Nam".

Những nét vẽ nguệch ngoạc ấy về Việt Nam trên bản đồ bóng đá thế giới, càng nuôi thêm khát vọng "rửa hận" của người Việt.

Nhưng "rửa hận" bằng con đường nào?

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Tháng 4/2017, có một trận cầu đặc biệt giữa các cầu thủ Học viện HAGL - Arsenal JMG và đội bóng trẻ em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.

Tất nhiên, khi phải bịt mắt thi đấu, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Thanh, Tuấn Anh, A Hoàng, đã để thua các cậu học trò đã làm bạn với bóng tối, với tỉ số 1-5.

4 năm trước, dàn sao trẻ đội bóng lừng lẫy Arsenal sang Việt Nam du đấu, cũng đã bị đội bóng khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu quần cho tơi tả và chịu thua với tỉ số 0-4.( đọc tin chính)

Trận cầu ấy, cho thấy hai điều: Một, các ngôi sao, khi phải thi đấu bằng sở đoản, sẽ không tránh khỏi thất bại; Hai, chẳng ai nỡ đánh thuế ước mơ.

Chẳng ai nghĩ những học sinh khiếm thị nghèo khó, tự ti, lại có thể có những khoảnh khắc đáng nhớ với những tên tuổi đáng kể như vậy.

TIN TỐT LÀNH 22/11: “Ryan Giggs, anh có nghĩ Mourinho đã chê đúng về người Việt? - Ảnh 1.

Sở đoản lớn nhất của bóng đá Việt Nam, theo cá nhân tôi, không nằm ở cái đầu, đôi chân cầu thủ, mà chính là tầm nhìn xa và bản lĩnh của những người hoạch định đường đi cho bóng đá.

Những mô hình bàn bản và dài hơi như bầu Đức đầu tư cho học viện HAGL - Arsenal JMG, đã chứng minh hiệu quả bằng việc cho ra đời một phần lứa tài năng trẻ có thể làm thay đổi số phận của một nền bóng đá.

Chỉ tiếc, những khó khăn về tài chính khiến ông bầu đam mê này, không thể tiếp tục mở rộng kiến tạo những đường chuyền dài bật vọt tầm khu vực và châu lục.

Cũng có người đủ tầm nhìn xa như bầu Đức, nhưng lại không đủ bản lĩnh để đối phó với một nền dư luận quen ném đá đến độ sẵn sàng lên đồng ngây ngất chỉ sau một trận thắng và nhanh như cắt vùi dập thê thảm một HLV, một đội bóng, một mầm tài năng, chỉ sau một sai lầm.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá với điểm đến ngắn hạn là quảng bá tên tuổi, kiếm lời từ kinh doanh, vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của họ là thành tích.

Ngay và luôn. Mấy ai kiến tạo con đường dài đến tương lai cho bóng đá. Họ chỉ mở hầu bao cho một đội bóng, chứ đâu dốc tâm huyết, tài lực cho những tài năng trẻ của bóng đá nước nhà.

Trong cả một guồng quay như thế, khi Giggs và Scholes sang làm việc cho Trung tâm đào tạo PVF và bày tỏ tham vọng muốn giúp Việt Nam dự World Cup vào năm 2030, nhiều người lập tức ném đá.

Họ nói, ở quê hương Giggs, giấc mơ dự World Cup còn xa vời, nói gì đến Việt Nam (Giggs chưa dự một World Cup nào và xứ Wales của anh chỉ lọt vào vòng chung kết Worl Cup một lần vào năm 1958).

Họ nói, mỗi năm Giggs và Scholes chỉ sang Việt Nam vài lần thì đâu có gây ảnh hưởng gì đến nền bóng đá còn quá nhiều lộn xộn ở Việt Nam.

Kiểu ném đá này có gì đó nhang nhác với tư duy: Người điếc thì làm sao sáng tác được nhạc; người mù làm sao thành danh họa; trẻ em nghèo khiếm thị Việt Nam làm sao được đá bóng với ngôi sao quốc tế?

Bethoven bị điếc nhưng điều đó không ngăn được việc ông biến giấc mơ thành kiệt tác âm nhạc. Họa sĩ nổi tiếng người Mỹ John Bramblitt bị mù, nhà tiên tri Vanga hỏng mắt, nhưng ước mơ vẽ và nhìn thấu thế giới của họ vẫn biến thành hiện thực.

Và các cầu thủ nhí khiếm thị ở một đất nước nghèo vẫn có thể thắng bằng sở trường trước sở đoản của ngôi sao thế giới.

Không ai ngăn một cậu bé hen suyễn chỉ cao 1,70m như Paul Scholes, mơ giấc mơ thống trị khu trung tuyến và sự thực đã trở thành một trong vài tiền vệ trung tâm vĩ đại nhất trong lịch sử.

Không ai ngăn một xứ xở chỉ có 3 triệu dân như xứ Wales của Giggs mà vẫn luôn đặt tham vọng dự World Cup lên cao nhất.

Vậy thì một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam, có tình yêu bóng đá không thua kém bất cứ nơi nào trên trái đất này, sao cứ loay hoay "ngủ trong giường chiếu hẹp. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con" như thi sĩ Chế Lan Viên từng nói?

Chỉ số niềm tin và hiệu ứng cánh bướm

Điểm có tính then chốt trong tham vọng của Giggs và Trung tâm đào tạo bóng đá PVF, chính là không xây dựng một đội bóng nào cụ thể để tập trung làm thương hiệu doanh nghiệp, mà tập trung toàn lực đào tạo nhân tài trẻ cho cả nền bóng đá.( đọc tin chính)

Câu chuyện của Giggs và Scholes giống như Viện nghiên cứu cao cấp về Toán của GS Ngô Bảo Châu.

Mỗi năm GS Châu cũng chỉ về Việt Nam vài lần, nhưng uy tín khoa học của ông đã khiến rất nhiều nhà khoa học lừng lẫy nhận lời mời của Viện đến Việt Nam giảng dạy, chia sẻ, trao đổi.

Uy tín và kinh nghiệm của hai cựu danh thủ MU, chính là chiếc cầu nối quan trọng để các học viên Trung tâm PVF được tiếp xúc với những chuyên gia đào tạo hàng đầu, cọ sát với các đội bóng hàng đầu thế giới.

Một từ khóa quan trọng nữa để những giấc mơ không bị đánh thuế là tiền. Chỉ riêng năm 2017, Vingroup đã đầu tư tới gần 30 triệu đô la cho Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam PVF.

Chỉ nhìn phòng tập giả lập đầu tiên của Châu Á, được đầu tư tới 1,2 triệu đô la, đã thấy phần nào quyết tâm rất lớn ấy.( đọc tin chính)

Chiến lược tham vọng giúp Việt Nam có thể dự World Cup 2030, sẽ ngốn một số tiền khổng lồ hơn thế nữa. Và điều quan trọng là Vingroup đủ tiềm lực để nuôi dưỡng cái miệng ăn tốn kém này.

Trong vòng 1 tuần kể từ khi Giggs và Scholes đến Việt Nam, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng 100 bậc trong bảng xếp hạng tài sản tỉ phú thế giới của Forbes.

Ngoài chỉ số về kinh tế, đây chính là một chỉ số về niềm tin quan trọng mà các nhà đầu tư nhìn thấy từ chiến lược phát triển bóng đá của Vingroup.( đọc tin chính)

Chỉ số niềm tin và truyền cảm hứng từ sự kiện Giggs và Scholes, có thể nói là từ khóa quan trọng bậc nhất trong giấc mơ chinh phục World Cup của Việt Nam.

Những năm trước, việc Hoàng Anh Gia Lai đầu tư bài bản cho bóng đá, đã truyền cảm hứng rất mạnh cho nhiều ông bầu và nhiều nhà quản lý khác học tập.

Cú hích của PVF có thể trở thành hiệu ứng cánh bướm, truyền cảm hứng cho khiến cho nhiều doanh nghiệp khác, cho cả xã hội, quan tâm tới việc đầu tư cho thể thao, bóng đá.

13 năm – một giấc mơ World Cup, không phải là thời gian quá dài, nhưng nếu trong thời gian đó xuất hiện thêm nhiều những ông bầu lớn nhỏ nữa, cũng đầu tư cho bóng đá với tinh thần tạo bật vọt như Vingroup, thì giấc mơ có một suất trong 8 suất của Châu Á dự Ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới, không phải là giấc mơ không thể.( đọc tin chính)

Tôi để ý, bên dưới comment ném đá tham vọng của Giggs, có những comment rất hay. Một chuyên gia công nghệ thông tin viết: "Ryan Giggs, đọc những comment ném đá, anh có nghĩ Mourinho đã chê đúng về người Việt, bóng đá Việt?". Còn một Tiến sĩ đã bình luận rằng: "Chinh phục World Cup là một giấc mơ rất đẹp của người Việt.

Ở đất nước của chúng ta, bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá là một phần sức mạnh và niềm tự hào dân tộc.

Tôi đi dạy hàng ngàn buổi về lòng yêu nước, không bằng một trận thắng vô địch của đội tuyển Việt Nam. Cả nước xuống đường ăn mừng.

Chưa bao giờ người với người gần nhau đến thế. Nếu bạn đánh thuế ngay cả ước mơ cho 13 năm nữa bằng cách ném đá những nỗ lực lớn lao hôm nay, thì 3.000 năm nữa chúng ta vẫn là kẻ ngoại đạo trong sân chơi máu lửa và cảm xúc của nhân loại – World Cup".( đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại