Mừng vì 6.000 tỷ sắp được truy thu
Mừng quá! Mừng quá khi mà ngân sách Nhà nước sắp thu được hơn 6.000 tỷ đồng từ việc thanh tra chính phủ mới chỉ thanh tra 38/204 dự án nhà ở, khu đô thị tại riêng Hà Nội.
Nếu thanh tra toàn bộ 204 dự án hy vọng con số truy thu sẽ lớn hơn nữa bởi những sai phạm về quản lý, sử dụng quỹ nhà, quỹ đất.
Nói thì bảo tôi mừng hão vì từ trước tới nay sai phạm làm thất thoát nghìn tỷ thì đã có tiền lệ rồi khi mà truy thu về chẳng được là bao.
Nhưng lần này, dù không truy thu lại cho đủ được 6.000 tỷ đi nữa, nhưng ít ra, theo những gì thanh tra chính phủ trình kiến nghị Thủ tướng thì Chủ tịch TP Hà Nội phải chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đôn đốc thu hồi khoản nợ đọng tiền chênh lệch quỹ nhà 50% và tiền quỹ đất 20% với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng; Sở Tài chính thực hiện xử lý số tiền hơn 2.955 tỷ đồng theo đúng quy định của Luật Ngân sách…
Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
"Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong quy hoạch; kiểm tra lại các dự án, chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, có biện pháp xử lý", lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị về xử lý về kinh tế, tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra hơn 1.562 tỷ đồng, yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý thu hồi về ngân sách hơn 509 tỷ đồng; thu hồi số tiền hơn 1.053 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.
Chào đón chỉ số đánh giá tín nhiệm kiểu mới
Mừng quá! Mừng quá khi Ban Dân nguyện của Quốc hội đã vừa thẳng thắn chỉ ra rằng: "Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Hiện tượng người dân phải lót tay để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng", Trưởng Ban Dân nguyện, bà Nguyễn Thanh Hải nói vậy.
Cũng trong phần trình bày trước Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn công bố đánh giá của PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân nói họ phải "lót tay" công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng.
Khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2011 tỷ lệ này là 46%, năm 2015 là 51%).
"Điều 24 Luật Tiếp công dân yêu cầu lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, nhưng truy cập vào Cổng thông tin điện tử của các cơ quan này chỉ có 28/63 tỉnh công bố lịch tiếp công dân; 34/63 tỉnh không công bố; 1 tỉnh không truy cập được; chỉ có 3/22 bộ, cơ quan ngang bộ công bố; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ không công bố" bà Hải thông tin thêm.
Và mừng hơn cả với đề xuất của Ban Dân nguyện trước thực trạng trên, kiến nghị các đại biểu có đánh giá về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri với từng Bộ trưởng, trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Nếu đề xuất này được thông qua, hẳn các cán bộ lãnh đạo muốn giữ ghế thì không thể không nỗ lực hơn nữa!
14.000 tỷ, 10.000 tiến sỹ và chuyện trách nhiệm
Cuối cùng đề án đào tạo tiến sỹ mà dư luận quan tâm cũng được Quốc hội thông qua. Không phải 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sỹ, mà đề án được phê duyệt để đào tạo 10.000 tiến sỹ với kinh phí 14.000 tỷ đồng.
Xin nói rằng đề án dù đã được phê duyệt thì dư luận vẫn chưa hết băn khoăn. Những định kiến về tiến sỹ giấy, về đào tạo chạy theo số lượng... chưa thể được giải quyết một sớm một chiều.
Nhưng ít ra cử tri theo dõi kỳ họp Quốc hội cũng phần nào yên tâm, khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết rằng, việc xin 14.000 tỷ không phải để tiêu cho bằng hết 14.000 tỷ, không phải phân bổ ngân sách để rót vào từng nơi mà được coi như một gói học bổng một phần hoặc toàn phần để các thầy cô "thi đấu" với nhau.
Hơn nữa, bộ trưởng Nhạ cho biết rằng tới đây sẽ quy trách nhiệm xuống tận từng cơ sở, từng người đi học.
Bộ trưởng Nhạ chưa nói đến việc người đi học chịu trách nhiệm thế nào hay chỉ là bồi hoàn lại khoản tiền Bộ đã cấp (sau ngần ấy năm nuôi học thành tiến sỹ thì số tiền phải bồi hoàn chắc gì là con số đáng để các tân tiến sỹ phải suy nghĩ đâu).
Nhưng ít ra, con số 14.000 tỷ cho 10.000 tiến sỹ sẽ vì thế mà đỡ bị vung vãi như nhiều đề án, dự án trước đây.
Sẽ đáng mừng hơn nhiều, nếu tư lệnh ngành Giáo dục công khai đặt trách nhiệm cá nhân của mình vào hiệu quả của đề án "nóng" này, chứ không chỉ trao trách nhiệm cho những người đi học làm tiến sĩ.
Chứ sao nữa, đây là chuyện 14.000 tỷ đồng, 10.000 số phận và 95 triệu mối quan tâm, hẳn cần một người có trách nhiệm xứng tầm.
Một phó chủ tịch xã… khùng một cách tự trọng
Câu chuyện phó chủ tịch xã đang được cơ cấu lên chủ tịch thế mà lại xin nghỉ việc để về quê làm ruộng là chuyện đáng đọc nhất cuối tuần này. Là ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam (Núi Thành, Quảng Nam).
Ông Khoa kể sau khi làm trưởng thôn rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, tháng 8-2015, ông được HĐND xã Tam Anh Nam bầu giữ chức phó chủ tịch UBND xã.
Ông Khoa cũng được đưa vào quy hoạch làm chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam trong nhiệm kỳ sau.
Sau hơn một năm nắm cương vị phó chủ tịch xã, ông Khoa thấy công việc này không phù hợp với bản thân, nhiều công việc của nhiệm kỳ trước để lại và công việc hiện tại ở xã không giải quyết dứt điểm, bị tồn đọng nhiều nên tháng 12-2016, ông Khoa có đơn xin nghỉ việc.
"Tôi nhận thấy bản thân mình không đủ năng lực để giải quyết công việc nên xin nghỉ để nhường lại nhiệm vụ cho người có năng lực hơn.
Mình làm không được mà tham quyền cố vị thì mọi việc sẽ tiếp tục bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và lợi ích của người dân trong xã.
Hơn nữa, những cán bộ trẻ, có tài năng, học hành sâu rộng hơn lại không có cơ hội được thể hiện" - ông Khoa tâm sự.
Ông Khoa nói rằng, xin nghỉ việc đối với ông là một quyết định không hề dễ dàng. Ông đã viết đơn và trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm mới quyết định đưa đi nộp.
"Xin nghỉ việc là quyết định chẳng hay ho gì, đó là một điều rất tồi tệ. Bản thân tôi luôn muốn làm tốt công việc nhưng khả năng của mình chỉ đến thế, mình nhận thấy không làm được thì phải xin nghỉ thôi" – ông Khoa chia sẻ.
"Khi tôi nói quyết định xin nghỉ việc, vợ con ai cũng phản ứng. Tôi giải thích thì mấy mẹ con hiểu và tôn trọng quyết định của tôi nhưng tôi biết mấy mẹ con "bằng mặt nhưng không bằng lòng".
Người thân, bạn bè và nhiều người dân thì nói tôi khùng. Ai cũng nói tôi khùng hết.
Thực sự như tôi đã nói, xin nghỉ việc chẳng hay ho gì nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi không hề hối hận và thấy rằng mình xin nghỉ là quyết định đúng đắn.
Sinh ra từ gốc rạ, ngày xưa làm ruộng, chừ không làm quan thì về làm ruộng thôi" – ông Khoa cười hiền.
Có bao nhiêu vị quan như thế? Tự trọng đủ để quyết định xin nghỉ khi tự thấy năng lực của mình chưa ổn.
Hàng ngày, đọc tin tức thấy nhiều những vị quan đồng cấp với ông ở đâu đó khắp đất nước này năng lực có hạn nhưng nhiệt tình quá đáng khi đòi thu tiền xây dựng nông thôn mới từ trẻ sơ sinh đến cả người già sắp xuống lỗ.
Thậm chí còn có xã thu cả tiền… nghĩa trang với… trẻ mới sinh. Nhiều vị quan xã hoạnh hoẹ đủ điều khi phê lý lịch của người dân, chặn xe đám cưới để đòi nợ tiền đóng góp…
Thì những gì ông Khoa làm mới thấy lòng tự trọng của ông lớn đến đâu. Tiếc thay, người như ông Khoa ngày một hiếm.