Tín hiệu mới về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam 70 tỷ USD: Sẽ có ga ngầm ở trung tâm Hà Nội, TP.HCM?

Trang Anh |

Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập mới 1 tập đoàn nhà nước, giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội… tiếp nhận và làm chủ công nghệ.

Nhà ga phải bố trí ở trung tâm Hà Nội, TP HCM

Văn phòng Chính phủ ngày 9/4 đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Trong thông báo có nêu rõ, tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao.

Giải pháp đưa ra là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Trong đó, với việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh bởi một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tín hiệu mới về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam 70 tỷ USD: Sẽ có ga ngầm ở trung tâm Hà Nội, TP.HCM?- Ảnh 1.

Thiết kế ga ngầm trong tương lai - Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó đánh giá toàn diện các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.

Phó Thủ tướng nêu rõ, phương án triển khai phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy… Đặc biệt, đối với các ga tại Hà Nội và TP.HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.

Về tốc độ thiết kế, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ Giao thông vận tải báo cáo; phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tài hàng hóa.

Về chuyển giao công nghệ cần nghiên cứu đề xuất lập Đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ (thành lập mới 01 tập đoàn nhà nước, giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội…).

Về phân kỳ đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí,…

Trình quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2024

Vào tháng 2/2024, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Trong đó, về kịch bản đầu tư, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất (so sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; phương án chỉ vận tải hành khách); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa chủ yếu vận tải bằng đường biển (cảng biển, bến thủy nội địa) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Ngoài ra, để thúc đẩy công tác triển khai dự án, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng.

Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, hồi cuối tháng 3/2024, ông Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi họp với bộ Giao thông vận tải để bàn về các vấn đề liên quan.

Tại cuộc họp này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế là 350 km/h, vận tải hành khách và hàng hóa khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chỉ vận tải hàng hóa.

Tín hiệu mới về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam 70 tỷ USD: Sẽ có ga ngầm ở trung tâm Hà Nội, TP.HCM?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến nền kinh tế. Tính toán cho thấy đầu tư dự án này có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2037.

Tốc độ này đã từng được Phó thủ tướng nhắc đến trong các buổi họp chỉ đạo phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h. Phó Thủ tướng nhận định đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia nên "không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện".

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2045.

Cuối năm 2023, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với ba kịch bản gồm:

Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỉ USD.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD. Ưu điểm là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến, kết nối liên vận quốc tế thuận lợi. Tuy nhiên, nhược điểm là tốc độ lưu thông thấp.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng trên tuyến này thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.

Đến hiện tại, chưa có phương án chốt về kịch bản cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc khảo sát dự án Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc khảo sát dự án 'khủng' đường sắt Việt Nam, sắp tới sẽ có tín hiệu đột phá?

Chủ tịch CRCC khẳng định tập đoàn tiếp tục sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại