Tín hiệu mới từ dự án 70 tỷ USD, dài 1.541km ở Việt Nam: Chọn tốc độ 350km/h, làm trong 10 năm?

Thái Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải có đột phá, đổi mới và đặt mục tiêu quyết tâm xây dựng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam trong 10 năm.

*Hoàn thành 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh thành vào năm 2035
*5 lý do cần làm sớm đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam

Phấn đấu hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao vào năm 2035

Sáng 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.

"Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".

Tín hiệu mới từ dự án 70 tỷ USD, dài 1.541km ở Việt Nam: Chọn tốc độ 350km/h, làm trong 10 năm?- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp sáng nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h.

Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc-Nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt, do đó, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng-an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp (lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam); tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…; từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp…).

Thủ tướng cũng lưu ý cần phương án tổ chức quản lý theo hướng thông minh, hiện đại, số hóa (gồm quản lý kinh doanh vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng); đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành hệ sinh thái để phát triển ngành công nghiệp đường sắt theo yêu cầu tại Nghị quyết 49 với bước đi, lộ trình phù hợp.

5 lý do cấp thiết Việt Nam cần làm sớm 1.545km đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15, trong đó yêu cầu nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông-Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Một trong những lý do đầu tiên được Ban cán sự Đảng bộ Bộ GTVT đưa ra là nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng đã được ban hành trong các Văn kiện, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.

Chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Đảng, Nhà nước đề ra trong các Văn kiện, Nghị quyết, Kết luận và thống nhất xác định quan điểm “đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống” và yêu cầu “xây dựng tuyến đường sắt quốc gia tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp.

Lý do thứ 2 được Bộ GTVT đưa ra là nhằm tạo động lực lan tỏa, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, thời gian ngắn, tin cậy, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ "rút ngắn" khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, kết nối các thị trường, tạo ra một hành lang phát triển mới, góp phần giảm áp lực dân số, quá tải hạ tầng tại các đô thị.

Tín hiệu mới từ dự án 70 tỷ USD, dài 1.541km ở Việt Nam: Chọn tốc độ 350km/h, làm trong 10 năm?- Ảnh 2.

Công trường xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Thứ ba, việc đầu tư dự án này, theo Bộ GTVT là để đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất, quan trọng bậc nhất của cả nước.

Hành lang Bắc - Nam đã có đầy đủ năm phương thức vận tải, tuy nhiên về vận tải hành khách đang có sự mất cân đối, phát triển thiếu bền vững. Trong đó đường bộ chiếm 62,9%, hàng không chiếm 36,6% và đang tăng nhanh, đường sắt chỉ chiếm khoảng 0,5 - 1,0% thị phần và đang có xu hướng tiếp tục giảm nên cần đường sắt tốc độ cao góp mặt càng sớm càng tốt.

Bốn là, tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ. Công trình "khổng lồ" này sẽ tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị, toa xe, công nghiệp phụ trợ phát triển, trước mắt đáp ứng nhu cầu sản xuất thiết bị, linh kiện thay thế trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu (ước tính nhu cầu thị trường về toa xe trong nước khoảng 12 tỷ USD).

Lý do thứ 5, nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt Thế giới cho thấy đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện và tỷ lệ chiếm dụng đất của đường sắt tốc độ cao ít hơn các phương thức vận tải khác. Việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo nên phương thức vận tải bền vững, an toàn, tiết kiệm tài nguyên.

Tựu chung lại, việc hình thành nên tuyến vận tải khối lượng lớn, nhanh, an toàn như đường sắt tốc độ cao sẽ không chỉ giải quyết về nhu cầu vận tải mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy phát triển các đô thị dọc tuyến, kết nối các đầu mối kinh tế, phân bổ lại dân cư, tránh tập trung tại 2 cực của đất nước như hiện nay.

Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại