Tin được không? Oanh tạc cơ tàng hình Mỹ có thể không chiến như tiêm kích

Anh Minh |

Máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider mới của Không quân Mỹ có thể bay sớm nhất là vào năm 2021.

National Interest nói có ít nhất một vị tướng của không quân Mỹ tin rằng máy bay ném bom mới do hãng Northrop Grumman chế tạo có khả năng không đối không để giúp nó chiến đấu trên đường bay tới mục tiêu oanh kích.

Có một số tiền lệ cho một máy bay ném bom với nhiệm vụ không đối không thứ cấp. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã trả cho General Dynamics và McDonnell Douglas hàng tỷ đô la để phát triển A-12 Avenger II, một máy bay ném bom hạng trung, tàng hình, có thể hoạt động trên tàu sân bay, được cho là để thay thế cho loại oanh tạc cơ A-6 Intruder của Hải quân Mỹ.

A-12 được thiết kế để mang theo hai tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 bên cạnh vũ khí không đối đất. Nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã hủy bỏ chương trình A-12 vào năm 1991.

Có vấn đề gì ở đây? James Stevenson, cựu biên tập viên của tạp chí Topgun Journal cho rằng, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11/1989, tình hình đã có nhiều thay đổi.

Vào tháng 7/1990, một tháng trước khi Iraq xâm chiếm Kuwait, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dick Cheney đã yêu cầu quốc hội chi thêm tiền cho chương trình A-12, nhưng yêu cầu của ông đã bị từ chối - một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm ngân sách quân sự là nghiêm trọng.

Sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, các nhà hoạch định ngân sách phải tranh giành thêm tiền. Cuộc chiến giành tiền này kết hợp với hành động quân sự sắp xảy ra đảm bảo rằng một số chương trình sẽ bị chậm lại, giảm hoặc loại bỏ triệt để. A-12 là một trong những chương trình bị chấm dứt.

Mặc dù chương trình A-12 không được tiếp tục, nhưng đã có nhiều công nghệ được phát triển xung quanh loại oanh tạc cơ mới này, trong đó là công nghệ liên quan đến khả năng không chiến của nó.

Tác giả Montgomery viết rằng có những công nghệ liên quan đến hai hãng cùng được giao phát triển A-12 ở những hợp phần khác nhau và cả hai hãng này đều không muốn chia sẻ thông tin về chúng khi chương trình chấm dứt, bởi họ còn là đối thủ cạnh tranh trong một dự án tiêm kích chiến thuật.

Tuy nhiên, theo tạp chí Air Force, chương trình phát triển B-21 không gặp phiền phức nào. Tất nhiên, đây là chương trình tối mật của Mỹ, nên người ngoài cuộc khó mà kiểm chứng những gì tạp chí Air Force viết.

Nhưng theo chuyên gia David Axe của National Interest, nếu B-21 cất cánh vào năm 2021 theo kế hoạch và có khả năng không đối không đã được đề xuất, cuối cùng nó cũng có thể kế tục vai trò của chiếc A-12 gần 30 năm trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại