Trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine vào đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD, trong bối cảnh Kiev chuẩn bị cho các cuộc phản công trước lực lượng Moscow vào mùa xuân.
Chuyến thăm kéo dài 5 tiếng của nhà lãnh đạo Mỹ tới thủ đô Kiev của Ukraine diễn ra chỉ vài ngày trước thời điểm tròn 1 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các quan chức quân sự.
Tổng thống Biden lưu ý rằng Mỹ đã thành công trong việc tạo ra một liên minh các quốc gia từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, bao gồm hơn 50 quốc gia. “Tất cả chúng tôi đã cam kết cung cấp khoảng 700 xe tăng và 1.000 xe bọc thép, 1.000 hệ thống pháo, hơn 2 triệu quả đạn pháo, hơn 50 bệ phóng tên lửa tiên tiến và hệ thống phòng không”, ông Biden nói.
Ông Biden tiết lộ gói viện trợ này sẽ bao gồm đạn dược cho các hệ thống pháo phóng loạt cơ động cao (HIMARS) mà Ukraine sở hữu. Bên cạnh đó, Mỹ nói sẽ chuyển giao cho Ukraine nhiều vũ khí như đạn pháo, tên lửa chống tăng Javelin và lựu pháo.
Sức công phá của tên lửa chống tăng Javelin
Javelin, tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào giữa những năm 1990 để thay thế M47 Dragon đã cũ. Nhiều biến thể của hệ thống tên lửa chống tăng này đã xuất hiện trong những năm qua và mẫu hiện tại là FGM-148F.
Được sản xuất bởi Raytheon và Lockheed Martin, Javelin cho phép người điều khiển không bị phát hiện sau khi phóng. Sau khi được khai hỏa bằng bộ phận phóng chỉ huy, tên lửa Javelin sẽ phóng ra và di chuyển với tốc độ khoảng 290m/s.
Tổng trọng lượng của Javelin không quá lớn, khoảng 22,5kg, nên một binh sĩ có thể sử dụng nó để hoàn thành các nhiệm vụ chống tăng một mình.
Javelin là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên”. FGM-148 Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự.
Javelin được trang bị hệ thống đầu dẫn hồng ngoại giúp bắn chính xác và bảo đảm an toàn cho người bắn, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết. Javelin gồm hai thành phần chính là ống phóng bảo quản chứa đạn tên lửa và bộ phận điều khiển bắn.
Theo tờ Military Times, đầu đạn của tên lửa Javelin có thể xuyên qua thép dày từ 60-78mm. Với tầm bắn hiệu quả trên 2,5km, đầu đạn của Javelin bay được khoảng 3km trước khi nhắm trúng mục tiêu.
Đầu tên lửa Javelin được trang bị hai đầu nổ. Đầu nổ thứ nhất sẽ kích nổ khối giáp phản ứng nổ (ERA) bên ngoài và để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng, sau đó phần đầu nổ thứ hai sẽ trực tiếp tấn công vào đó.
Theo AP, vào tháng 5/2022, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 7.000 tên lửa Javelin, chiếm khoảng 1/3 kho dự trữ của nước này. Vào tháng 9/2022, quân đội Mỹ đã trao cho Lockheed Martin và Raytheon một hợp đồng chung trị giá 311 triệu USD để tăng cường sản xuất tên lửa này, trong đó 1.800 tên lửa sẽ được gửi đến Ukraine để bổ sung kho dự trữ.
Theo Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin, Javelin là một hệ thống vũ khí linh hoạt, có thể xách tay và đa mục đích, cung cấp khả năng ngăn chặn nhiều mối đe dọa trong mọi điều kiện.
Trước khi xung đột nổ ra, Ukraine không có nhiều tên lửa Javelin, với một số ít được gửi từ các nước Baltic và Anh.
Vai trò của Javelin trên chiến trường Ukraine
Với những khả năng trên, tên lửa Javelin được coi là đóng vai trò quan trọng đối với khả năng chiến đấu của lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột.
Tính năng “bắn và quên” của hệ thống tên lửa cho phép các binh sĩ Ukraine cơ động vào các vị trí tấn công trước khi phân tán để tránh bị phản công. Khi xung đột bùng phát, NATO đã cung cấp hàng nghìn hệ thống chống tăng Javelin cho Ukraine. Những tên lửa này đã được chứng minh là chìa khóa cho hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Tuy nhiên, trong khi cách sử dụng Javelin đơn giản hơn nhiều so với các tên lửa chống tăng tương tự, việc huấn luyện binh sĩ vẫn rất cần thiết. Vào mùa hè năm 2022, xuất hiện báo cáo trên chiến trường ở Ukraine về việc hướng dẫn sử dụng tên lửa Javelin bị mất và vũ khí này đã được sử dụng không đúng cách.
Theo Washington Post, ông Mark Hayward, một cựu quân nhân Mỹ, cho biết các lực lượng Ukraine đã phải dựa vào các bộ phận điện tử từ bộ điều khiển trò chơi điện tử để thay thế các bộ phận bị lỗi của tên lửa Javelin.
Việc thiếu hỗ trợ kỹ thuật cũng là một vấn đề lớn vì nếu mỗi tên lửa Javelin sử dụng không chính xác sẽ khiến Mỹ thiệt hại khoảng 400.000 USD.
"Chúng tôi cần có khả năng bắn trúng 100% mục tiêu. Chúng tôi không có đủ tên lửa để phí phạm chúng", một quan chức Ukraine nói.