Ngày 30/10 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm thành lập Hải quân Nga. Vào ngày này năm 1696, theo sắc lệnh của Sa hoàng Peter I Duma Nga đã ra nghị quyết "thành lập đội tàu biển".
Thời gian này vua Peter Đại đế lên ngôi, nước Nga tuy có lãnh thổ rộng lớn nhưng không có đường thông ra biển Baltic hoặc biển Đen để thông thương với các nước Tây Âu có trình độ văn minh khá cao khi đó. Vì vậy, ông quyết định dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, lấy đường thông ra biển.
Để tiến ra biển Đen, trước tiên người Nga phải lấy được pháo đài Azov, thông ra biển Azov. Khi đó biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của Hãn quốc Krym, do sắc tộc Tatar cai trị dưới sự bảo trợ của đế quốc Ottoman.
Tình hình chiến sự ban đầu bất lợi cho ông vì khi đó Nga chưa có hải quân nên không thể cô lập được pháo đài Azov, ngược lại quân địch lại được hải quân tiếp viện nên chống quân Nga rất hiệu quả.
Hiểu được nguyên nhân thất bại, Pyotr ra sức xây dựng hải quân. Với sự trợ giúp của các tàu chiến được đóng trên sông Voronezh, Nga đã chinh phục được pháo đài Azov.
Từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi, ngành đóng tàu của Nga liên tục phát triển. Hiện nay, Hạm đội Nga có hơn 200 chiến hạm nổi. Cùng chiêm ngưỡng, khám phá những chiến hạm khủng nhất của Hải quân Nga.
Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky
Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky
"Yury Dolgoruky" là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới. Đây là lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên thời hậu Xô Viết, được cho là xương sống của hạm đội tàu ngầm chiến lược Nga hiện tại và tương lai.
Nó được nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk đóng cho Hải quân Nga và khởi công vào năm 1996. Mùa hè năm 2009 tàu đã có các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển.
Tàu tuần dương nổi tiếng Rạng đông (Aurora)/ Chiến hạm Rạng Đông
Tàu tuần dương Aurora được đóng vào năm 1897 tại xưởng đóng tàu "New Admiralty" ở St Petersburg. Đây là lớp tàu đầu tiên của Hạm đội Baltic nổi tiếng, đã trải qua 160.000km và từng tham gia ba cuộc chiến tranh: Chiến tranh Nga - Nhật, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai.
Chiếc tàu bị hư hỏng nặng trong cuộc chiến bảo vệ Leningard (nay là St. Petersburg) trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức năm 1941 đến 1945. Nó được sửa chữa và neo đậu tại bến Petrogradzklaya để làm điểm du lịch từ năm 1948 và trở thành di sản văn hóa Nga.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (đặt theo tên Đô đốc Hải quân Liên Xô Nikolay Gerasimovich Kuznetsov) được coi là loại tàu tuần dương hạm mang máy bay nên đôi khi nó vẫn được người Nga coi là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga.
Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen thuộc Ukraina từ 1985 nhưng phải đến năm 1995 mới chính thức đi vào hoạt động.
Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác với hệ thống vũ khí riêng của mình chứ không cần một đội tàu bảo vệ vì đây vốn là một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.
Con tàu này có tên khai sinh là Leonid Brezhnev khi bắt đầu chế tạo năm 1982. Năm 1985, tàu chuyển tên thành Riga, hai năm sau đó, lại đổi thành Tbilisi. Năm 1990, nó có tên hiện nay là Đô đốc Kuznetsov.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich được đặt theo tên của Đô đốc Ivan Konstantinovich Grigorovich, Tư lệnh Hải quân Nga trong năm 1911 - 1917.
Đô đốc Grigorovich là chiếc tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên thuộc Project 11356 do nhà máy Yantar đóng theo đơn hàng 6 chiếc từ Hải quân Nga, nhằm nâng cấp hiện đại hóa trang bị Hạm đội Biển Đen.
Tàu được trang bị hệ thống phòng không tầm trung, tên lửa diệt hạm tầm xa sẽ đem lại sức sống mới cho hạm đội này. Nó được coi là một trong những ngôi sao của Hạm đội Biển Đen.
Tàu cứu hộ Kommuna của Hạm đội Biển Đen
Tàu cứu hộ Kommuna của Hạm đội Biển Đen là con tàu lâu đời nhất của Hạm đội Nga và thế giới còn đang còn hoạt động. Con tàu được đóng vào năm 1915.
Tàu cứu hộ Igor Belousov
Igor Belousov là tàu cứu hộ được đóng cho Hải quân Nga tại xưởng đóng tàu Bộ tư lệnh hải quân ở St Petersburg. Tàu được đưa vào sử dụng năm 2012.
Igor Belousov thuộc lớp tàu cứu hộ tàu ngầm Project 21300 được thiết kế để có thể thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ các tàu ngầm bị nạn của Hải quân Nga, nó còn có khả năng cung cấp nguồn oxy và năng lượng cho các tàu bị nạn. Con tàu có chiều dài khoảng 98 m với lượng giãn nước là 5.000 tấn, thủy thủ đoàn gồm 97 người (có thể chở thêm 120 người).
Tàu ngầm Kilo B-261 Novorossiysk
B-261 Novorossiysk là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm Kilo Project 636.3 được nhà máy Admiralty Verfi chế tạo theo đơn hàng của Hải quân Nga. Tàu được thiết kế để chống tàu ngầm và tàu chiến địch, bảo vệ căn cứ hải quân, thông tin liên lạc trên biển và các vùng ven biển, có hoạt động trinh sát và tuần tra phá hoại thông tin liên lạc của đối phương.
Tàu được khởi công vào tháng 8/2010, ra mắt tháng 11/2013 và được Hải quân Nga đưa vào sử dụng tháng 8/2014. Đặc biệt, tàu ngầm Kilo của Hải quân Nga còn được trang bị tổ hợp phòng không tầm thấp cho khả năng bắn hạ trực thăng, máy bay săn ngầm của đối phương.
Với những tính năng ưu việt, khả năng hành trình siêu êm, hỏa lực mạnh mẽ, tàu ngầm Kilo được coi là sát thủ số 1 trong các loại tàu ngầm thông thường, khả năng tàng hình cao của nó được phương Tây mệnh danh là “Lỗ đen trong đại dương”.
Tàu ngầm TK-208 Dmitry Donskoy
TK-208 "Dmitry Donskoy" là chiếc duy nhất còn hoạt động trong lớp tàu ngầm khổng lồ Project 941 Akula (NATO gọi là Typhoon) - một trong những công nghệ quân sự đỉnh cao của Liên Xô.
Tàu ngầm này được hạ thủy vào năm 1976 ở nhà máy Sevmashpredpriyatie, nhận nhiệm vụ tại Hạm đội Biển Bắc Nga năm 1982 và mang tên là Dmitry Donskoy chính thức vào ngày 7/10/2002. Tàu được trang bị một phức hợp tên lửa "Bulava" với sáu đầu đạn hạt nhân siêu thanh.
Với lượng giãn nước 48.000 tấn, tàu ngầm hạt nhân Dmitry Donskoy được xem là "sát thủ dưới lòng đại dương" lớn nhất thế giới hiện nay.
Tàu tên lửa hạt nhân hạng nặng tuần dương "Peter Đại đế"
"Peter Đại đế" là một trong 4 tàu thuộc Đề án 1144 Orlan (còn gọi là Kirov) được Liên Xô thiết kế vào thập niên 1970. Đây là những tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay. Với chiều dài 252 m và giãn nước 28.000 tấn, chúng chỉ thua kém các loại tàu sân bay hạng nặng.
Tuần dương hạm lớp Kirov được thiết kế với khả năng độc lập tác chiến hoặc nằm trong một biên đội hỗn hợp gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục. Mục tiêu chính của Kirov là các tàu nổi trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, như tàu sân bay lớp Nimitz, tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Tàu được khởi công năm 1986 bởi nhà máy Baltic, được hạ thủy năm 1989 và tham gia quân đội năm 1988.
Tàu ngầm Severodvinsk
K-560 "Severodvinsk" là một tàu ngầm hạt nhân đa năng được trang bị tên lửa hành trình thế hệ thứ tư, là chiếc đầu tiên trong dự án 885 "Yasen". Nó hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Có hệ thống sóng siêu âm mạnh hơn, bao gồm một thiết bị sóng siêu âm gắn ở phía trước. Trong kho vũ khí của chiến thuyền có đến 24 quả tên lửa Oniks và Kalibr chống tàu chiến.
Tàu được đóng vào năm 1993 tại xưởng đóng tàu quân sự "Sevmash" và được hạ thủy vào năm 2010.