Theo báo cáo Market Pulse mới công bố của Nielsen Việt Nam về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý I/2016, đồ uống tiếp tục là mảng tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhanh, với mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Điều đáng nói, mảng đồ uống đã chứng kiến 8 tháng liên tiếp tăng trưởng ổn định, tiếp tục đóng góp phần lớn vào sự trở lại của ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Đồ uống là nhân tố chính điều khiển sự tăng trưởng trở lại của ngành FMCG
Theo Nielsen, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng), dù thấp hơn quý trước, nhưng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương ở mức 3,6%.
Trong đó, phải kể đến đóng góp của ngành hàng đồ uống, bao gồm các mặt hàng bia, nước giải khát, nước uống tăng lực, nước lọc đóng chai, cà phê…, vào sự tăng trưởng của toàn ngành FMCG.
Trong quý I/2016, ngành hàng đồ uống đã đóng góp 39% vào sự tăng trưởng toàn ngành, cao nhất trong các nhóm ngành hàng được nghiên cứu.
Như vậy, đồ uống tiếp tục là nhân tố chính điều khiển sự tăng trưởng trở lại của toàn ngành FMCG.
Nhận định này đã được Nielsen lần đầu đưa ra trong báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh quý I năm ngoái, khi thức uống là mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất để đưa toàn ngành FMCG tăng trưởng trở lại, sau năm 2014 suy giảm mạnh về doanh số bán.
Kể từ đó, đồ uống luôn là ngành hàng đóng góp mạnh nhất, và bỏ xa các ngành hàng khác, vào sự tăng trưởng của thị trường vào hàng quý.
Những quý gần đây, đồ uống thường xuyên đóng góp tới gần 40% sự tăng trưởng trở lại toàn thị trường hàng tiêu dùng nhanh.
Cũng trong quý I/2016, việc người Việt uống ngày càng nhiều bia, nước giải khát, cà phê… đã giúp cho sản lượng ngành hàng đồ uống tăng 8,1%, qua đó tạo ra mức tăng trưởng ấn tượng tới 10%, là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Những năm trước, đồ uống cũng tăng trưởng trung bình từ 8% -10%, cao nhất trong toàn ngành FMCG. Ngược lại, tất cả các ngành hàng khác đều không cho thấy bức tranh hơn. Cá biệt, có nhiều quý, ngành hàng thực phẩm và sữa còn nhận tăng trưởng âm.
Những năm gần đây, ngành hàng đồ uống đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định & mạnh mẽ. Năm 2015 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định rằng dù tổng doanh thu không tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận của các công ty trong ngành Đồ uống Việt Nam năm 2015 đã tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ.
Lượng tiêu thụ đồ uống của Việt Nam cũng được đánh giá là khổng lồ trong khu vực.Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về lượng bia, rượu tiêu thụ bình quân (khoảng 37,8 lít/người/năm). Về nước giải khát, người Việt đã tiêu thụ trung bình mỗi người 53,6 lít/năm, gấp 3,6 lần lượng tiêu thụ sữa (~15 lít/năm). Chỉ riêng đồ uống có ga, người Việt cũng đã vượt mức tiêu thụ 1 tỷ lít đồ uống loại này, tính đến cuối năm 2015.
Trong gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia có xu hướng tăng nhanh về sản lượng tiêu thụ đồ uống. Theo đó, đồ uống có cồn đã tăng lượng tiêu thụ từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Mức tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng từ 587 triệu lít năm 2010 lên 836 triệu lít vào năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên tới 9,2%.
Tại sao người Việt uống ngày càng nhiều ?
Theo Nielsen Việt Nam, thực tế việc đồ uống được tiêu dùng ngày càng vượt thực phẩm xuất phát từ 2 lý do chính:
Thứ nhất, đa phần các sản phẩm đồ uống (đồ uống, bao gồm có sữa đóng hộp) được sản xuất dưới dạng các hộp, chai nhỏ. Đây là những hình thức sản phẩm rất tiện dụng mà người tiêu dùng có thể dễ dàng mua, mang đi, và sử dụng nhanh.
Cũng vì sự tiện lợi do dễ dàng mang đi và nhanh sử sụng hết, người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng này thường xuyên hàng ngày. Điều này khác biệt với các nhóm hàng khác như thực phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình hay sản phẩm chăm sóc cá nhân, khi những người mua thường không có nhu cầu tiêu dùng liên tục như đồ uống.
Thứ hai, các nhà sản xuất trong ngành đồ uống đang ngày càng quan tâm đến việc đánh vào yếu tố sức khỏe trong các sản phẩm mới ra mắt của mình.
Ngày nay, yếu tố sức khỏe được xếp hạng là một trong những quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Nắm bắt được xu hướng này, các nhà sản xuất đồ uống đã tung ra nhiều sản phẩm mới, với những quảng cáo tính năng sản phẩm tốt cho sức khỏe, ví dự như tăng chất dinh dưỡng, giảm hàm lượng chất béo, hay được làm từ nguyên liệu trà xanh…
Bên cạnh rất nhiều lùm xùm về vấn đề vệ sinh của các mặt hàng đồ uống, không thể phủ nhận rằng việc các hãng đồ uống liên tục tấn công thị trường bằng các sản phẩm dính mác tốt cho sức khỏe đã phần nào kích thích hành vi mua của người tiêu dùng.
Có thể kể đến những ví dụ như việc Pepsi Suntory đã mở rộng sản phẩm trà của mình từ Trà xanh vị Chanh sang trà Oolong, qua đó đã mở rộng phân khúc mình nắm giữ từ nước giải khát đơn thuần sang sức khỏe với sản phẩm Oolong TEA .
Năm 2015, sau 2 năm ra mắt thị trường đồ uông Việt Nam, sản phẩm này đã tăng trưởng doanh thu lên đến 56%.
Một ví dụ khác là sản phẩm sữa ép trái cây đình đám Nutriboost, đã đạt mức tăng trưởng doanh số tới 84% sau 2 năm ra mắt.
Sản phẩm này vốn được phát triển từ sản phảm sữa tươi New Zealand có hương vị trái cây mang tên Meadow Fresh, đã ra mắt trước đó với quảng cáo của nhà sản xuất là dòng sữa tươi tiệt trùng được bán theo 3 sản phẩm: thêm Canxi cho trẻ em, ít chất béo cho người muốn giảm cân và sữa nguyên kem.
Báo cáo Market Pulse đươc Nielsen thực hiện hàng quý, dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Báo cáo chia các sản phẩm tiêu dùng nhanh thành các nhóm ngành hàng chính (super category):
- Đồ uống bao gồm: Bia, nước giải khác, nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước lọc đóng chai, Tonic Food Drink, nước trái cây, trà túi lọc, trà chai, cà phê chai, cà phê.
- Thực phẩm bao gồm: bánh quy, bánh & bánh xốp, snack, dầu ăn, mì ăn liền, tương ớt, kẹo gum, thành phần cho bữa ăn chuẩn bị sẵn, bouillon - MSG.
- Sữa bao gồm: sữa bột, yagourt, sữa đặc có đường, sữa hộp/chai.
- Sản phẩm chăm sóc gia đình: bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước lau chùi nhà cửa, sảnphẩm chai xịt diệt muỗi/gián, nhang chống muỗi, khăn giấy dùng trong nhà vệ sinh.
Sản phẩm chăm sóc cá nhân: sản phẩm chăm sóc mặt, dầu gội, dầu xả, dầu tắm, kem đánh răng,bàn chải đánh răng, khăn giấy lau mặt, sản phẩm chăm sóc phụ nữ, nước súc miệng, chất khử mùi, kem dưỡng.