Tiết lộ về 3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng

Duy Anh |

Sau 2 năm vận hành, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu hành khách. Số người có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên được duy trì.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã hết hạn bảo hành, hiện do người Việt vận hành

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị quản lý, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông) vừa thông tin về kết quả vận hành của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước sau 2 năm.

Báo Tiền phong dẫn lời Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021 và hết bảo hành từ 6/11/2023.

Từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ lái tàu của Công ty Hanoi Metro quản lý và vận hành.

Tiết lộ về 3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng- Ảnh 1.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Song Hùng

Về kết quả vận hành, ông Trường cho biết, đến hết năm 2023 (sau 26 tháng vận hành) tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách (trung bình mỗi năm có gần 10 triệu lượt khách đi tàu) với 3 kỷ lục được xác lập:

Thứ nhất, trong ngày mùng 2/9/2023 tàu đã vận chuyển được số lượng khách cao nhất lên tới 5,6 vạn.

Thứ hai, trong một ngày làm việc, không phải ngày nghỉ lễ (tức ngày 28/9/2023) tàu đã vận chuyển được 37 nghìn lượt hành khách.

Kỷ lục thứ ba, trong tháng 9, tàu đã vận chuyển được con số trên 1 triệu lượt hành khách.

Tiết lộ về 3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng- Ảnh 2.

Lượng khách đi trải nghiệm tàu đã giảm, thay vào đó khách là người đi học, đi làm… có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên đã được duy trì. Ảnh: T.A

Nhiều hành khách chấp nhận đi bộ 1-2km để đến ga

Vietnam+ dẫn lời ông Trường khẳng định, sau 2 năm vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại, giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông.

“Trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp thì nay nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1-2km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị,” ông Trường nêu dẫn chứng.

Thông tin về lưu lượng khách đi tàu hằng ngày, lãnh đạo Hanoi Metro cho hay: Khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30 nghìn hành khách. Hiện tại, con số này từ 22-24 nghìn hành khách. Tuy nhiên, vào các ngày làm việc, lượng hành khách dao động trong khoảng 35.000-36.000.

Tiết lộ về 3 kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng- Ảnh 3.

Nhiều hành khách đã sử dụng xe đạp gấp hoặc sẵn sàng đi bộ 1-2km để đến ga, sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh: T.A

Được biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) gồm: vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 198,42 triệu USD.

Dự án được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Dự án có tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Kế hoạch ban đầu là xây dựng trong 5 năm, sẽ hoàn thành vào năm 2013, được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trễ hẹn do gặp nhiều khó khăn, vưỡng mắc, ngày 6/11/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT chính thức bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành sau 10 năm khởi công xây dựng.

"Việc đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng về việc dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được triển khai thành công, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật. Qua đây, TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đã và đang triển khai tại Thủ đô”, báo VOV dẫn lời phát biểu của đại diện Bộ GTVT tại lễ khánh thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT vào sáng 28/12 vừa qua, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra tại TP hiện nay, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế TP mới chỉ hoàn thành 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội).

Để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035) kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại