RT đưa tin, hôm 26/2, Bộ trưởng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh, “chính phủ Ấn Độ dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Shri Narendra Modi đang thi hành cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các chính phủ tiền nhiệm. Giờ đây, chúng tôi không do dự vượt biên để bảo vệ Ấn Độ khỏi chủ nghĩa khủng bố”.
Tuyên bố của ông Singh được đưa ra nhân kỷ niệm một năm không quân Ấn Độ tiến hành vụ không kích nhằm vào trại huấn luyện của tổ chức khủng bố Jaish-e Mohammad (JeM) hoạt động ở Balakot của Pakistan.
Tuy nhiên, vụ đánh bom liều chết khiến 44 binh sĩ thiệt mạng được xem là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra.
Sau khi phiến quân JeM tiến hành cuộc tấn công tự sát vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng, không quân Ấn Độ đã có hành động trả đũa.
Cũng trong ngày 26/2, Tư lệnh không quân Ấn Độ, Đại tướng Rakesh Kumar Singh Bhadauria đã miêu tả vụ không kích cách đây một năm là chiến dịch không quân lớn nhất trong khu vực suốt nhiều thập niên qua.
Tiêm kích Mirage 2000. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, cuộc không kích có sự tham gia của 12 tiêm kích Mirage 2000. Giới chức Ấn Độ khẳng định “số lượng lớn” các tay súng khủng bố đã bị tiêu diệt.
Sau một ngày xảy ra trận không kích trên, quân đội Pakistan đã có đòn đáp trả và thậm chí bắn rơi một máy bay quân sự của Ấn Độ đồng thời bắt giữ phi công có tên Abhinandan Varthaman. Sau khi được Pakistan trả tự do và trở về nước, phi công Varthaman đã được vinh danh là anh hùng.
Ngoài ra, trong trận không chiến, Ấn Độ cũng tuyên bố bắn hạ một tiêm kích F-16 của Pakistan, nhưng không quân Pakistan nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
Cuộc không kích vào Balakot cùng trận không chiến giữa không quân Ấn Độ và Pakistan đã đẩy hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân tiến lại gần bờ vực chiến tranh, đồng thời kéo theo hàng loạt vụ giao tranh xuyên biên giới và bắn đạn pháo vào lực lượng quân sự hai nước.
Thậm chí, giới truyền thông đưa tin trước khi thống nhất đàm phán ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng, Ấn Độ và Pakistan đã cân nhắc tới việc sử dụng kho tên lửa để giải quyết bất hòa.
Vùng Jammu và Kashmir trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành lại độc lập vào năm 1947.
Cả hai nước nắm quyền kiểm soát những khu vực khác nhau trong vùng Jammu và Kashmir, nhưng hai bên vẫn ra tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ vùng Jammu và Kashmir. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã làm bùng phát hai cuộc chiến ở vùng Kashmir.