Theo báo cáo của Washington Post và Đài truyền hình Deutsche Welle, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã khống chế Công ty Crypto AG của Thụy Sĩ trong hàng chục năm qua, điều này cho phép CIA đánh cắp thông tin liên lạc của chính phủ nước ngoài thông qua thiết bị mã hóa được bán cho hàng trăm quốc gia trên thế giới.
Báo cáo của truyền thông Mỹ, Đức được lấy từ một kho lưu trữ bí mật về lịch sử CIA và một tài liệu tương tự từ Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND). Họ cũng đã phỏng vấn một số quan chức tình báo phương Tây và nhân viên Crypto AG.
Theo Washington Post, Crypto AG có trụ sở tại bang Zug của Thụy Sĩ, dựa vào việc sản xuất thiết bị mã hóa cho Quân đội Mỹ trong Thế chiến II.
Nhiều thập kỷ qua, công ty này đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành công nghiệp thiết bị mã hóa, bán sản phẩm cho hơn 120 quốc gia, cung cấp các kênh liên lạc cho các nhân viên tình báo, ngoại giao và quân sự ở các quốc gia này, bao gồm Iran, Pakistan, Ấn Độ... nhưng Trung Quốc và Nga không phải là khách hàng của Crypto AG.
CIA cho rằng đây là điều "chính đáng" và là một"chiến thắng của cuộc chiến gián điệp" trong công cuộc bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Trớ trêu thay, các mục tiêu của Washington lại bao gồm cả các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Đức, quốc gia đang hợp tác với Mỹ vào thời điểm đó.
Hành động của CIA cho thấy "không có bạn bè trong thế giới gián điệp". Truyền thông Hàn Quốc cho rằng vụ bê bối đã khiến người Mỹ bối rối, những người luôn cáo buộc các công ty Trung Quốc ăn cắp bí mật trong những năm gần đây và gây ra tranh cãi lớn.
Crypto AG có trụ sở tại bang Zug của Thụy Sĩ. Nguồn: Huanqiu.
Văn kiện cũng nêu rõ, khoảng những năm 1950, Mỹ đã thuyết phục thành công Crypto AG giảm việc cung cấp các thiết bị mã hóa phức tạp, Mỹ sẽ đền bù cho Công ty này những thiệt hại về mặt tài chính.
Đến thập niên 1970, CIA và bộ phận chịu trách nhiệm giải mã của Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) dường như đã kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh của công ty. Họ đã hợp tác với BND để xác định việc thuê nhân sự, thiết kế kỹ thuật, cấy thuật toán và bán hàng.
Mỹ và Đức đã cấy ghép các chương trình giả mạo vào thiết bị, khi các quốc gia khác sử dụng thiết bị này, cơ quan tình báo của Mỹ và Đức có thể nhanh chóng phá giải mật mã của các văn kiện mật được các quốc gia này gửi đi thông qua thiết bị mã hóa.
Theo Washington Post, đây là "một trong những hoạt động táo bạo nhất trong lịch sử CIA".
Nhiều năm qua, Mỹ đã sở hữu một lượng lớn thông tin mật, chẳng hạn như hoạt động thông tin liên lạc giữa các cơ quan khác nhau của Iran trong cuộc khủng hoảng con tin Iran 1979-1981, hoạt động liên lạc của Quân đội Argentina trong Chiến tranh Falkland năm 1982.
Vào những năm 1980, công ty Thụy Sĩ đã cung cấp cho NSA khoảng 40% thông tin liên lạc nước ngoài và thông tin tình báo khác.
Hàng triệu thiết bị mã hóa của Crypto AG đã đưa ra thị trường từ sau Thế chiến II tới những năm đầu thế kỷ 21. Nguồn: Huanqiu.
Tài liệu của CIA cho rằng, kế hoạch này là một "mánh khóe của giới tình báo". Doanh thu khổng lồ của Crypto AG bị Mỹ và Đức phân chia, cùng với đó, cũng có nhiều Chính phủ của nước khác đồng ý bỏ ra giá cao để thu được thông tin tình báo từ Mỹ và Đức.
Thời báo New York tin rằng, Israel, Anh, Thụy Điển cùng một số quốc gia khác cũng biết kế hoạch này.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Mỹ-Đức được cho là đã bị "ám ảnh" bởi những xích mích về các vấn đề như tài chính đạo đức ngay từ đầu. Đối với CIA, BND dường như tập trung vào việc kiếm tiền, người Mỹ cần "luôn nhắc nhở người Đức rằng đây là một hoạt động tình báo".
Còn Đức thì ngạc nhiên khi Washington theo dõi tất cả các đối tượng, thậm chí là đồng minh thân cận của mình như các thành viên NATO Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia…
Hãng truyền thông Deutsche Welle ngày 12/2 cho biết, năm 1993, Cục Tình báo Liên bang Đức đã rút khỏi hoạt động này, và đã bán cổ phần của mình tại Crypto AG cho CIA. Đức cho rằng hoạt động này có tính rủi ro cao, nhiệm vụ ưu tiên của Đức cũng có nhiều thay đổi sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Chuyên gia tình báo người Đức, ông Schmidt-Einbaum cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây nhiều khả năng cũng có mối liên hệ "mờ ám" với Crypto AG.
Năm 1992, một nhân viên bán hàng của công ty đã bị bắt ở Iran và phải ngồi tù vài tháng, BND bị cáo buộc đã trả 1 triệu USD để đổi lấy tự do cho nhân viên này. Sự cố này cũng là một trong những lý do khiến Đức quyết định không tham gia hoạt động.
Sau khi Đức rút lui, CIA tiếp tục kiểm soát Crypto AG và không ai biết khi nào Mỹ sẽ kết thúc hoạt động này. Năm 2018, tài sản Crypto AG đã được bán cho hai công ty là CyOne Security của Thụy Sĩ và Crypto International của Thụy Điển.
Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn sử dụng các sản phẩm của Crypto AG, và cả CIA cùng với BND vẫn chưa đưa ra bình luận nào về báo cáo này.