ĐBQH lo ngại việc trích lại một phần tiền xử phạt "vô tình khiến CSGT bị điều tiếng không hay"

Trang Anh |

Theo nữ đại biểu, việc đưa quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông là "chưa thật sự hợp lý".

Trích tiền xử phạt vi phạm để hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông

Chiều 22/5, Kỳ họp thứ 7 tiếp tục với việc Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung quy định Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Khoản tiền được trích này sẽ quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hàng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính để tăng cường hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định.

Trên cơ sở đó, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1, điều 5 dự luật.

ĐBQH lo ngại việc trích lại một phần tiền xử phạt "vô tình khiến CSGT bị điều tiếng không hay"- Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Cụ thể, tại Điều 5 của dự thảo Luật quy định về Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại khoản 1 quy định: "Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông".

Như vậy, quy định được Chính phủ đề xuất lần này và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành chỉ quy định được "trích một phần" và không quy định mức trích là bao nhiêu.

Quy định "chưa thật sự hợp lý"?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận cho rằng cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

ĐBQH lo ngại việc trích lại một phần tiền xử phạt "vô tình khiến CSGT bị điều tiếng không hay"- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, việc đưa quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông là "chưa thật sự hợp lý".

Lý giải điều này, nữ đại biểu cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nữ đại biểu tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi: "Tại sao lĩnh vực này lại quy định riêng, đưa ra quy định trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính, một mặt làm cho không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước? Mặt khác cũng vô tình làm cho lực lượng cảnh sát giao thông bị những điều tiếng không hay", bà Nhi nêu ý kiến.

Từ đó, nữ đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm đồng tình với quy định này nhưng cũng đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm cụ thể, không nên quy định "một phần" như dự thảo luật và dẫn lại trước đó, dự thảo đã có đề xuất trích 70% tiền xử phạt.

"Nếu trích lại 70% cho CSGT là rất nhạy cảm, nếu trích cao như thế thì CSGT sẽ phạt rất triệt để để được hưởng, được chế độ. Phải quy định cụ thể, không thể nói chung chung, trích lại một phần là bao nhiêu, là 50%, là 70% hay 90%…." - ĐBQH Phạm Văn Hoà nói.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu, góp ý của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản đồng ý và đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội cũng bổ sung nhiều ý kiến quan trọng về giải thích từ ngữ, bổ sung một số nội dung từ thực tế; góp ý về kỹ thuật lập pháp… Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 28 lượt đại biểu phát biểu và 1 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, trí tuệ, khách quan và có nhiều thông tin. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. 

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, về quy định “Trích một phần khoản tiền thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần phải tuân thủ và thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và hệ thống pháp luật, có tỷ lệ và cấp có thẩm quyền quyết định".

Trước đó, dự luật cũng từng quy định: "Lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật…".

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, nội dung trên được bỏ khỏi dự thảo luật do còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tài xế uống nước ép, siro thổi lên nồng độ cồn: Cục CSGT đưa phương án xử lýTài xế uống nước ép, siro thổi lên nồng độ cồn: Cục CSGT đưa phương án xử lý

Đại diện Bộ Công an cho rằng, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ có ý nghĩa đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc đối với xã hội.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại