Chiều 17/5, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV như: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ...
Tại cuộc tọa đàm, đại diện của Cục CSGT khẳng định, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế là một việc làm có ý nghĩa và an toàn cho cộng đồng.
Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - đại diện Cục CSGT cho rằng, tình hình giao thông tại Việt Nam đang phức tạp, ý thức từ phía người điều khiển phương tiện giao thông bị buông lỏng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý giấy phép lái xe hữu hiệu, đặc biệt là đối với những người bị tước giấy phép lái xe.
Theo thượng tá Minh, rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người. Cụ thể, theo thống kê trong hơn 43.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ở nước ta thì có đến hơn 22.000 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.
Vì vậy, thượng tá Minh cho hay, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ có ý nghĩa đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc đối với xã hội.
Đại diện Cục CSGT cũng nhấn mạnh rằng, việc trừ điểm trên GPLX không chỉ là một biện pháp quản lý hành chính mà còn có tính chất của một công cụ răn đe, cảnh tỉnh đối với người lái xe khi vi phạm luật lệ.
Về thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng uống nước hoa quả, sirô khi thổi vẫn lên nồng độ cồn, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã có phương án giải quyết. Cụ thể, bà Minh cho hay nếu người dân khi bị đo nồng độ cồn mà cho rằng mình chỉ uống nước hoa quả, sirô thì có thể đề nghị cảnh sát giao thông cho ngồi chờ 10-30 phút sau uống nước rồi đo lại. Hoặc người vi phạm có thể yêu cầu cho đi xét nghiệm máu để chứng minh.
"Nếu uống nước hoa quả, sirô, trong thời gian ngắn sẽ hết nồng độ cồn. Thực ra, một số trường hợp dùng vấn đề này để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi", Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay.
Trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Liên quan quy định về trừ điểm giấy phép lái xe, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết, đây là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Theo thống kê mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn khoảng 500.000 GPLX và việc tước GPLX đang được thực hiện một cách thủ công, nhiều tài xế đã bỏ không đến lấy làm tồn đọng nhiều GPLX gây lãng phí nguồn lực trong việc lưu giữ, quản lý.
Theo Bộ Công an, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. Người lái xe vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm GPLX và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
Qua đó, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm. Từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.