Tiếp tục chậm chân, PAK FA sẽ bị F-35 lật đổ ngay tại thị trường truyền thống?

Sao Đỏ |

Trong khi F-22 bị cấm xuất khẩu, J-20 cùng ATD-X chưa tạo được uy tín, thì cuộc đua giành miếng bánh thị phần tiêm kích thế hệ 5 là sân chơi mà PAK FA cùng F-35 đang chiếm ưu thế.

F-35 cùng PAK FA (Sukhoi T-50) là hai dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 gây hao tổn rất nhiều giấy mực của báo giới trong thời gian qua, với rất nhiều thông tin trái ngược về tính năng tác dụng, hay thậm chí là những lỗi kỹ thuật cần sửa chữa.

Tuy nhiên trong cuộc đua tranh đầy khắc nghiệt trên thị trường vũ khí quốc tế, có vẻ như PAK FA đang chậm chân hơn và gặp nhiều bất lợi vì những lý do sau đây.

Tiếp tục chậm chân, PAK FA sẽ bị F-35 lật đổ ngay tại thị trường truyền thống? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA (Sukhoi T-50) của Nga

Trong cuộc họp báo tại Triển lãm hàng không Paris Airshow 2017, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Aleksandr Mikheev đã nói rằng "Trong tương lai gần, Nga sẽ không xuất khẩu các mẫu vũ khí hiện đại nhất, trong đó có tiêm kích thế hệ 5 T-50".

Đây chính là lời phủ nhận dự đoán việc Nga sẽ bán chiếc tiêm kích thế hệ 5 PAK FA đầu tiên vào khoảng giữa thập niên 2020. Điều này cũng hợp lý vì khả quan nhất phải đến năm 2025, Không quân Nga mới chính thức biên chế Sukhoi T-50, rồi phải vài năm nữa mới cấp phép xuất khẩu cho nó.

Lúc này, nhiều quốc gia tại châu Á đã và đang lên kế hoạch sản xuất hay mua sắm tiêm kích thế hệ 5. Tiêu biểu như Trung Quốc sắp hoàn thiện J-20 cùng với J-31; Nhật Bản đã lắp ráp chiếc tiêm kích F-35A đầu tiên và còn tự phát triển máy bay ATD-X Shinshin; Hàn Quốc cùng Indonesia hợp tác chế tạo chiến đấu cơ KF-X; hay Singapore sẽ sớm đặt hàng F-35A...

Nếu khách hàng thân thiết của Nga tại châu Á - Thái Bình Dương quyết tâm chờ đợi PAK FA được đưa vào diện xuất khẩu thì nhanh nhất phải sau năm 2030 mới có hàng, khi đó lực lượng không quân này sẽ bị tụt hậu cả một thập kỷ so với láng giềng. Điều này thực sự khó chấp nhận, cho nên giải pháp lấp khoảng trống khả thi chắc chỉ còn phương án F-35A.

Tiếp tục chậm chân, PAK FA sẽ bị F-35 lật đổ ngay tại thị trường truyền thống? - Ảnh 2.

Tiêm kích tấn công kết hợp F-35A Joint Strike Fighter của Mỹ

Từng có nhiều lo ngại về mức giá "trên trời" của F-35, nhưng căn cứ vào hợp đồng xuất khẩu mới nhất vừa được Mỹ ký với các đối tác thì đơn giá F-35A hiện chỉ còn 88 triệu USD, dự kiến giảm xuống còn 80 triệu USD sau năm 2020, tức là còn rẻ hơn cả giá trị 85 triệu USD của Su-35 Nga vừa bán cho Trung Quốc.

Đơn giá chính thức của PAK FA chưa được Rosoboronexport công bố, nhưng dự kiến sẽ không thể thấp hơn Su-35. Nếu vậy thì lợi thế cạnh tranh của F-35A thực sự rất lớn, nhất là khi nó ngày càng rẻ do số lượng đặt hàng tiếp tục gia tăng và còn tiếp tục mạnh lên nhờ những sửa đổi từ kinh nghiệm thu được trong quá trình thực chiến.

Trước kia tồn tại nhận định rằng F-35 không thể được xuất khẩu rộng rãi như F-16, vì dù sao nó vẫn mang trong mình rất nhiều công nghệ tiên tiến, cho nên chỉ dành cho đồng minh thuộc diện đặc biệt thân thiết.

Nhưng với chính sách ưu tiên lợi ích kinh tế của Tổng thống Donald Trump và tiếng nói từ giới quân sự yêu cầu khôi phục việc sản xuất F-22, khả năng Mỹ đồng ý bán đại trà F-35A không phải là một cái gì đó bất khả thi.

Do vậy, nếu như PAK FA không đẩy nhanh được tiến độ hoàn thành thì nguy cơ nó bị "hất cẳng" bởi F-35 ngay tại những thị trường truyền thống là điều hiện hữu, nhất là mới đây Ấn Độ đã thẳng tay loại MiG-35 để đặt niềm tin vào F-16 Block 70.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại