Nổi bật với thiết kế hiếm
Theo trang tin 19fortyfive, Su-47 của Nga là một trong những mẫu máy bay đặc biệt nhất trên thế giới, với đặc điểm vô cùng nổi bật, đó là thiết kế 'cánh ngược'. Trong khi đó, hầu hết các mẫu máy bay khác của Nga và của các nước khác đều có thiết kế cánh thẳng như A-10 Warthog, cánh delta như Dassault Rafale hay cánh xuôi như các máy bay thương mại.
Thiết kế cánh của Su-47 thuộc hàng rất hiếm, chưa có mẫu máy bay nào với thiết kế cánh này được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Mẫu máy bay Su-47 của Nga. Ảnh: Wiki
Một số nhà thiết kế đã thử nghiệm thiết kế cánh ngược trước khi Su-47 ra đời. Đức Quốc xã trong một thời gian ngắn từng thử nghiệm máy bay ném bom đa động cơ Junkers Ju 287 với thiết kế cánh ngược.
Bên cạnh đó, Convair (một nhà sản xuất của Mỹ) từng đề xuất một mẫu máy bay ném bom siêu thanh mang tên XB-53 với thiết kế cánh tương tự nhưng chưa bao giờ được đưa vào chế tạo.
Phiên bản cánh ngược của các mẫu Bell X-1, Douglas D-558 và P-51 Mustang cũng từng được đề xuất. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các vật liệu cần thiết dành cho thiết kế cánh ngược (phải đảm bảo đủ cứng và đủ mạnh để hỗ trợ hoạt động bay, trong khi không quá nặng nề) lại không sẵn có.
Mẫu X-29 của Grumman. Ảnh: Wiki
Nhật Bản từng đạt được một số thành công nhất định với chiếc Nakajima Ki-43 cánh ngược trong Thế chiến II. Thế nhưng, thiết kế này của họ không quá rõ rệt, gần như không thể nhận thấy nếu không quan sát kỹ, mặc dù xét về mặt kỹ thuật thì đúng là thiết kế cánh ngược.
Sau chiến tranh, khi vật liệu khoa học được cải thiện, các nhà thiết kế máy bay tiếp tục kiên trì với thử nghiệm thiết kế cánh ngược.
Sử dụng các sợi carbon mới được phát triển, với kết cấu khỏe nhưng nhẹ, hãng Cessna (Mỹ) đã cho ra đời nguyên mẫu NGP, trong khi hãng CZAW (Czech) phát triển mẫu Parrot và Saab (Thụy Điển) thì được biết đến với mẫu Safari.
Đáng chú ý hơn cả là mẫu X-29 của Grumman. Chỉ có 2 chiếc loại này từng được chế tạo nhưng phải thừa nhận rằng, đây là một mẫu máy bay đặc biệt, có khả năng duy trì kiểm soát ở góc tấn công 67 độ.
Su-47 gây ấn tượng mạnh với thiết kế cánh ngược.
'Kiệt tác' tại triển lãm ở Pháp
Cuối cùng, vào năm 1997, Nga đã ra mắt 'kiệt tác' Su-47 của họ tại Triển lãm hàng không Paris. Tương tự như X-29, Su-47 có thiết kế cánh ngược rất rõ rệt dù ở các khía cạnh khác nó có phần kém nổi bật hơn, ví dụ như thân phía trước của máy bay, bộ ổn định và càng đáp đều được kế thừa từ Su-27.
Thông qua các đợt bay thử nghiệm và các bài kiểm tra, Su-47 đã cho thấy một số lợi thế của thiết kế cánh ngược như tỷ lệ lực nâng trên lực kéo cao hơn, cải thiện độ ổn định ở các góc tấn công cao, cơ động hơn trong các tình huống không chiến...
Cùng với vẻ ngoài đặc biệt, Su-47 còn có các thông số kỹ thuật vượt trội, như tốc độ tối đa Mach 2.21, tầm bay 3.300km, trần bay 18.000m, vận tốc leo cao là 233m/s.
Rất tiếc, chỉ có một chiếc Su-47 được chế tạo và nó chưa bao giờ được trang bị vũ khí. Chiếc máy bay này đã gây ấn tượng rất mạnh tại triển lãm hàng không Pháp khi phô diễn hình dáng đặc biệt và khả năng cơ động đáng nể của nó.
Vào năm 2015, Su-47 dường như đã có một 'người kế nhiệm tinh thần' khi Nga trình làng mẫu máy bay huấn luyện phản lực một động cơ KB SAT SR-10, dù đây là một mẫu máy bay với những tính năng 'khiêm tốn' hơn nhiều.
Mặc dù Su-47 không được đưa vào sản xuất loạt nhưng những nghiên cứu thu thập được từ chương trình này đã được Nga áp dụng vào quá trình phát triển hai mẫu máy bay đáng gờm khác, là chiến đấu cơ thế hệ 4 Su-35, và tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57. Nhiều tính năng của chúng cũng được các nhà phân tích phương Tây đánh giá cao.