Khách hàng vừa mua tiêm kích Su-35 của Nga chính là Ai Cập
Quốc gia này là một trong những bạn hàng truyền thống đặc biệt quan trọng và hết sức thân thiết của Nga. Hiện nay Cairo đang dẫn đầu trong câu lạc bộ những khách hàng lớn nhất mua vũ khí từ Nga.
Cùng với các máy bay tiêm kích MiG-29M/M2 đã nhận được, trong vài năm tới những chiếc Su-35 mới sẽ tăng cường đáng kể sức chiến đấu cho Không quân Ai Cập khi mà họ hiện nay vẫn đang duy trì những chiếc tiêm kích vốn đã rất lạc hậu như MiG-21 thời Liên Xô và biến thể J-7 của nó do Trung Quốc chế tạo.
Hợp đồng mua khoảng 24 chiếc tiêm kích Su-35 của Ai Cập ước tính trị giá chừng 2 tỷ USD và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ai Cập bắt đầu từ 2020 hoặc 2021, một lần nữa khẳng định Ai Cập chính là khách hàng đặc biệt quan trọng đối với Nga.
Theo một số nguồn tin thì hợp đồng này nhiều khả năng đã được ký từ cuối năm 2018, nhưng nay mới chính thức được tiết lộ. Nguồn tin của Kommersant từ chối cho biết giá trị cụ thể tuy nhiên nhấn mạnh "hợp đồng sẽ đảm bảo cho Nhà máy chế tạo hàng không Komsomolsk-on-Amur (KNAAPO) chạy hết công suất trong vài năm tới".
Hiện tại, dây chuyền sản xuất của KNAAPO đang đều đặn cho ra lò Su-35 mà không gặp vấn đề gì lớn, dự kiến trong 2 năm 2019-2020, Nhà máy này sẽ cung cấp khoảng 20 chiếc cho Không quân Nga.
Tiêm kích Su-35 bay trình diễn tại triển lãm MAKS 2017.
Vui duyên với Nga nhưng không quên đa dạng hóa quan hệ?
Trong những năm gần đây, Ai Cập là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, nhất là sau khi ông al-Sisi cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đắc cử Tổng thổng Ai Cập vào năm 2013. Sau khi nhậm chức nguyên thủ, ông al-Sisi nhanh chóng tiến hành hiện đại hóa, tái trang bị cho Quân đội Ai Cập.
Trong năm 2014, Moscow và Cairo đã ký một gói thỏa thuận lớn với nhiều hợp đồng nhằm cung cấp các loại tên lửa phòng không (Antey-2500 và Buk-M2E), pháo binh, vũ khí cá nhân và nhiều loại vũ khí khác với tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
Gói thỏa thuận lớn này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự giữa Moscow và Cairo kể từ năm 1972, khi các chuyên gia và cố vấn quân sự Liên Xô buộc phải rút về nước.
Tiếp sau đó, một số hợp đồng lớn khác cũng được ký kết như thỏa thuận cung cấp 46 máy bay tiêm kích MiG-29M/M2 (trị giá khoảng 2 tỷ USD) và 46 trực thăng tấn công Ka52 (trị giá hơn 1 tỷ USD). Các hợp đồng này đang được hai bên khẩn trương tiến hành.
Tiêm kích MiG-29M/M2 của Không quân Ai Cập.
Tuy vậy, cần phải nhấn mạnh rằng mặc dù Ai Cập mua rất nhiều vũ khí Nga nhưng họ cũng vẫn mua vũ khí của các nhà cung cấp khác.
Chẳng hạn tháng 2/2015, Ai Cập ký hợp đồng mua 24 tiêm kích Rafale, 1 tàu khinh hạm tàng hình lớp FREMM cùng nhiều tên lửa hành trình chiến thuật Scalp-EG từ Pháp với tổng trị giá khoảng 5 tỷ Euro.
Tuy nhiên, sau đó Hoa Kỳ, bằng sức mạnh của mình đã đóng băng thỏa thuận bán tên lửa cho Ai Cập bởi theo như tờ La Tribune thì Scalp-EG chưa rất nhiều công nghệ cũng như linh kiện do Mỹ chế tạo, muốn được xuất khẩu cần phải được sự đồng ý, thiếu cái gật đầu của họ thì việc chuyển giao cho một nước thứ ba là vô kế khả thi.
Tuy vậy, vào năm 2015, với sự đồng ý của Nga, Ai Cập đã nhất trí mua lại 2 tàu đổ bộ trực thăng Mistral do Pháp chế tạo vốn dự kiến sẽ chuyển giao cho Nga nhưng đã bị ngưng lại vì các lý do về chính trị.
Tháng 6/2016, cả hai tàu Mistral mang tên Gamal Abdel Nasser and Anwar Sadat cùng lúc gia nhập biên chế Hải quân Ai Cập.
Lưu ý răng năm 2017, Nga cũng thắng gói thầu cung cấp cho Ai Cập dòng trực thăng tấn công Ka-52K. Sau khi ký hợp đồng chính thức, Hải quân Ai Cập có kế hoạch triển khai một số phi đội trực thăng loại này trên 2 tàu đổ bộ trực thăng Mistral (với khoảng 32 trong tổng số 46 chiếc Ka-52K).
Trực thăng tấn công Ka-52K của Ai Cập.
Cũng tại thời điểm này (2017), đã bắt đầu có những báo cáo đầu tiên cho thấy Ai Cập sẵn sàng mua tiêm kích Su-35 của Nga, chẳng hạn như tờ El Watan đưa tin Cairo mua muốn khoảng 12 chiếc tiêm kích tối tân và vượt trội nhất trong các loại máy bay tiêm kích hiện có trên thế giới, kể cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 của Mỹ.
Sau đó việc đàm phán giữa 2 bên tưởng chừng đã chìm xuống, hầu như không có tiến triển thì khi Su-35 thể hiện xuất sắc trong cuộc chiến ở Syria, Ai Cập lại nhiệt tình hơn.
Những chiếc Su-35 mới sẽ không chỉ thay thế một cách cơ học các máy bay tiêm kích MiG-21 thời Soviet và biến thể J-7 của nó do Trung Quốc chế tạo (tiêm kích MiG-29M/M2 được mua cũng để nhằm mục đích này) mà còn tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Không quân Ai Cập vốn đang sở hữu cả tiêm kích F-16 của Mỹ lẫn Mirage-2000 của Pháp.
2 tàu đổ bộ trực thăng Mistral được cung cấp cho Ai Cập.
Chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga nhận định rằng Ai Cập là một trong những quốc gia rất tích cực và chủ động đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.
Sau những màn trình diễn được cho là xuất sắc ở Syria, Su-35 đang ngày càng được nhiều khách hàng quan tâm.
Hiện tại, dòng tiêm kích chiếm ưu thế trên không tiên tiến bậc nhất thế giới này đã có 2 khách hàng chắc chắn gồm Trung Quốc mua 24 chiếc trị giá hơn 2 tỷ USD ký năm 2015 (việc chuyển giao đã hoàn thành vào cuối năm 2018) và Indonesia mua 11 chiếc (trị giá khoảng 1,1 tỷ USD có thanh toán một phần theo phương thức hàng đổi hàng phi quân sự).
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga cũng đã gây ra nhiều khó khăn đối trong buôn bán vũ khí của Nga, có ảnh hưởng trực tiếp lên các hợp đồng bán Su-35 với Trung Quốc và Indonesia. Tuy vậy chịu nhiều sức ép nhưng theo thỏa thuận với Indonesia, dự kiến những chiếc Su-35 đầu tiên vẫn sẽ được bàn giao vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.