Su-30SM chặn F-35 trên biển Baltic
Những chiếc F-35A được triển khai bởi Phi đội 13 thuộc Không đoàn số 32 Không quân Ý từ Căn cứ Không quân Amendola ở miền nam. Đơn vị này đã vận hành F-35 từ năm 2016. Đây là những chiếc F-35 đầu tiên ở Châu Âu.
Các máy bay này đã được điều đến Estonia, từng trong Liên bang Xô viết gần biên giới với Nga, vào ngày 30 tháng 4 năm 2021, tiếp nhận sứ mệnh Chiến lược trên không vùng Baltic của NATO từ đơn vị tiêm kích Eurofighter của Không quân Đức vốn đã đóng quân ở đó.
Trong lần triển khai này, một chiếc F-35 của Ý đã bị một tiêm kích Su-30SM của Nga đánh chặn vào ngày 9/6, sau khi chiếc tiêm kích phương Tây được cho là đã áp sát một máy bay vận tải An-12 của Nga.
Việc triển khai các máy bay F-35 đến gần biên giới của Nga đã được nhấn mạnh là một lỗ hổng tiềm ẩn, vì nó tạo cơ hội cho Nga tìm hiểu thêm về loại máy bay mới và nghiên cứu cấu hình tàng hình của nó, theo lời của các quan chức Mỹ, tương tự chuyện các tiêm kích F-22 hoạt động trên lãnh thổ Syria từ năm 2015.
Mỹ đã đầu tư rất mạnh vào F-35 với chương trình dự kiến trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, biến nó thành vũ khí đắt nhất cho đến nay trong lịch sử. Khác với các biến thể mới của chiếc F-15 bay lần đầu tiên vào tháng 2, F-35 là tiêm kích duy nhất hiện đang được Không quân Mỹ đặt hàng.
Thông tin về tiêm kích này do đó rất có giá trị và có khả năng sẽ được chia sẻ với các đối thủ khác của Mỹ như Trung Quốc và Triều Tiên.
Một số nhà phân tích đã suy đoán rằng việc triển khai Su-30SM để hộ tống một phương tiện vận tải bay qua Baltics có thể dựa trên thông tin tình báo nhận định rằng một chiếc F-35 sẽ có mặt để tạo cơ hội cho Su-30 đối đầu với chiếc tiêm kích do Mỹ chế tạo.
Tiêm kích F-35A
Mặc dù F-35 đã được đưa vào trang bị từ năm 2015, nhưng nó vẫn còn rất xa mới có thể sẵn sàng chiến đấu cường độ trung bình hoặc cao. Máy bay chỉ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như không kích vào các mục tiêu tầm thấp mà các biện pháp đối phó tác chiến điện tử và hỏa lực mặt đất không được mong đợi.
Hơn 300 lỗi vẫn chưa được giải quyết và những khiếm khuyết mới tiếp tục được phát hiện, bên cạnh những chỉ trích gay gắt vì sự chậm trễ và các vấn đề về hiệu suất.
Trong khi đó, Su-30SM là một trong những tiêm kích được triển khai rộng rãi nhất ở Nga, và có sức công phá đáng kể so với F-35 với radar lớn hơn nhiều, lực đẩy lớn hơn, tốc độ cao hơn và độ cao hoạt động cao hơn nhiều.
Bộ cảm biến, liên kết dữ liệu và hệ thống điện tử hàng không của dòng tiêm kích Nga này được coi là kém tinh vi hơn so với F-35 và máy bay này thiếu các tính năng tàng hình của đối thủ Mỹ, mặc dù nó có độ bền cao hơn nhiều, hiệu suất bay vượt trội hơn nhiều và khả năng không chiến gấp đôi.
Cấu hình ghế đôi của Su-30 cho phép nó mang theo một sĩ quan hệ thống vũ khí để hỗ trợ phi công trong chiến đấu, đây có thể là một lợi thế đáng kể, đặc biệt khi tấn công các mục tiêu trên bộ và trên không đồng thời.
Su-30SM được coi là tiêm kích hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, mặc dù việc sản xuất loại máy bay này đã ngừng hoạt động để chuyển sang loại Su-30SM2 có khả năng hơn hiện đang được biên chế trong Không quân Nga.