Tiêm kích Rafale Pháp "xé nát" S-400 Nga ở Libya: Chuyện viễn tưởng hay mối nguy thực sự?

Anh Tú |

Mạng lưới phòng không hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya đã bộc lộ những điểm yếu rõ ràng, dẫn tới ý kiến cho rằng Ankara cần phải triển khai các tên lửa S-400 tiên tiến tới đây.

Theo một bản tin trên tờ EurAsian Times ngày 12/7, các tiêm kích đa nhiệm Rafale do Pháp chế tạo đã chọc thủng các hệ thống radar và tên lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở Libya để ném bom căn cứ không quân Al-Watiya.

Al-Watiya là căn cứ mà Ankara đã cất giữ các tiêm kích F-16, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar B2, Anka S và được bảo vệ bởi hệ thống phòng không tiên tiến MIM-23 Hawk.

Việc Rafale có thể dễ dàng đánh bom căn cứ Al-Watiya đã hâm nóng các cuộc thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đáng gờm mà Ankara mua của Nga tới Libya.

S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới, có khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không trong phạm vi 400 km. Hệ thống được thiết kế để vô hiệu hóa máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và đạn đạo, đồng thời cũng có thể sử dụng để đánh trả các mục tiêu trên mặt đất.

Tiêm kích Rafale Pháp xé nát S-400 Nga ở Libya: Chuyện viễn tưởng hay mối nguy thực sự? - Ảnh 1.

Tiêm kích phản lực Rafale do Pháp chế tạo. Ảnh: EurAsian Times

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các hệ thống S-400 của Nga nhưng nước này vẫn quyết định chưa kích hoạt bởi nhiều yếu tố địa chính trị khác nhau. Hiện tại, Ankara đã triển khai cùng lúc các hệ thống tên lửa MIM-23 Hawk tầm trung do Mỹ sản xuất, tên lửa đất đối không tầm ngắn Hisar và pháo phòng không Korkut ở Libya.

Nhờ tiếp viện từ Ankara, Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italia hậu thuẫn đã tiến hành tấn công chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalil Haftar dưới sự hỗ trợ từ Pháp, Saudi Arabia, Ai Cập và UAE.

Tuy nhiên, với sự yểm trợ của các máy bay phản lực Rafale, mạng lưới phòng không hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya đã bộc lộ những điểm yếu rõ ràng, dẫn tới ý kiến cho rằng Ankara cần phải triển khai S-400 tới đây.

Basel Haj Jasem, chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc triển khai S-400 ở Libya sẽ là một kế sách cùng thắng cho Ankara. S-400 không chỉ có khả năng vô hiệu hóa máy bay Rafale do Pháp chế tạo mà còn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tránh được các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Theo Jasem, một trong những kịch bản có lợi nhất có thể được cả ba bên chấp nhận là triển khai S-400 tới Libya. Điều này phù hợp với các thỏa thuận an ninh - quân sự giữa Ankara và Tripoli sau khi đã có sự đồng ý của Moscow và Washington.

Jasem lập luận rằng Ankara có nhiều lợi ích cần phải tính toán hơn chứ không chỉ là một hệ thống tên lửa. Thổ Nhĩ Kỳ cần duy trì mối quan hệ cân bằng giữa Nga và Mỹ chứ không muốn mạo hiểm nghiêng hẳn về bên nào.

Cuộc nội chiến ở Libya hiện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Các quốc gia từng là đồng minh nay lại trở thành kẻ thù và các quốc gia vốn là kẻ thù lại trở thành đồng minh của nhau.

Những gì xảy ra tiếp theo ở Libya là điều khó đoán định nhưng giới quan sát quốc phòng chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ và xem liệu các máy bay phản lực Rafale của Pháp có dám thách thức các hệ thống phòng không S-400 của Nga hay không.

Tiêm kích đa nhiệm Rafale bay trình diễn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại