Gripen "đả bại" J-11
Cuộc tập trận năm 2015 tại Thái Lan đã làm nổi bật những lỗ hổng tồn tại trong chiến thuật tác chiến đường không của Trung Quốc. Mặc dù có trong tay mẫu máy bay hiện đại nhưng các phi công Trung Quốc tại Thái Lan để lộ nhiều yếu kém trước các cuộc tấn công tầm xa và tỏ ra chậm chạp khi phản ứng trước các chiến thuật tấn công.
Cuộc tập trận Falcon Strike 2015, tổ chức tại căn cứ Korat của Không quân Hoàng gia Thái Lan trong vòng 2 tuần – từ giữa tháng 11/2015, là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa không quân Trung Quốc và Thái Lan.
Tiêm kích Gripen của Không quân Thái Lan. Ảnh: scandasia.com
Trung Quốc đã đưa các tiêm kích J-11 tới cuộc tập trận. Trong khi đó, mặc dù đang vận hành các tiêm kích F-16 tại Korat nhưng Không quân Thái Lan đã huy động các chiến đấu cơ Gripen từ căn cứ Surat Thani tham gia tập trận. Phiên bản mà họ sử dụng là JAS-39C/D Gripen.
Cùng là loại tiêm kích thế hệ 4 nhưng mẫu JAS 39 Gripen của Thụy Điển lại có giá vận hành rẻ hơn nhiều so với các mẫu máy bay cùng loại.
J-11 được Trung Quốc sao chép từ mẫu Su-27 của Nga, nó đã chứng tỏ mình là mẫu tiêm kích không chiến "siêu hạng", theo lời một thành viên tham gia tập trận từ phía Trung Quốc nói trong bài thuyết trình tại Đại học Bách Khoa Tây Bắc Trung Quốc ngày 9/12/2019. Tuy nhiên, mẫu Gripen của Thái Lan lại có khả năng tấn công tầm xa tốt hơn.
Alert 5 là trang tin đầu tiên đăng tải bài thuyết trình này. Theo đó, trong ngày đầu tiên của cuộc chiến giả định, J-11 và Gripen đã giao chiến ở phạm vi trong tầm nhìn. Kết quả là chiến thắng nghiêng hẳn về phía không quân Trung Quốc.
Mẫu máy bay 2 động cơ mạnh mẽ J-11, với pháo và tên lửa tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại (có lẽ là PL-8) đã "bắn hạ" 16 chiếc Gripen mà không có thiệt hại nào.
Trong biên chế Không quân Thái Lan, tiêm kích 1 động cơ Gripen được trang bị pháo và các tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại AIM-9 để tác chiến tầm ngắn. Cần lưu ý rằng, Gripen có tỷ lệ lực đẩy/khối lượng khá thấp so với nhiều loại máy bay chiến đấu khác. Điều đó đã làm hạn chế khả năng cơ động của nó khi cận chiến.
J-11 bộc lộ nhiêù điểm yếu khi không chiến tầm xa. Ảnh: Wiki
Trong ngày thứ hai, tỷ lệ tiêu diệt của các phi công Trung Quốc là 9-1. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo của cuộc tập trận, phía Trung Quốc đã gặp khó khăn khi muốn lặp lại thành công trước đó của họ.
Cuộc tập trận chuyển sang các cuộc giao tranh bên ngoài tầm nhìn, trong đó Gripen được trang bị tên lửa tầm trung AIM-120, ưu việt hơn so với tên lửa tầm trung của J-11 (được cho là PL-12).
Trong ngày thứ ba, các phi công Thái Lan đã "bắn hạ" 19 chiếc J-11 và chỉ thiệt hại 3 chiếc Gripen. Qua 3 ngày cuối cùng của cuộc tập trận, phía Thái Lan đã "tiêu diệt" được 22 máy bay Trung Quốc và chỉ thiệt hại 3 chiếc máy bay của họ. Số điểm cuối cùng nghiêng về phía Không quân Thái Lan.
Tổng cộng, Gripen đã "bắn hạ"42 chiếc J-11, trong khi J-11 chỉ "bắn hạ" 34 chiếc Gripen. 88% số lần ghi điểm của Gripen diễn ra ở cự ly ít nhất là 30,5km, trong khi ở khoảng cách này, số lần ghi điểm của Trung Quốc chỉ chiếm 14% tổng số điểm của họ.
Ở cự ly xấp xỉ 50km, Gripen đã tiêu diệt được 10 máy bay đối phương, trong khi J-11 không đạt được thành tích nào.
Phi công Trung Quốc còn yếu kém
"Các phi công Trung Quốc có khả năng nhận biết tình huống thấp", Trang mạng Alert 5 dẫn nhận định trong bài thuyết trình cho hay, "Họ tập trung quá mức vào phía trước máy bay, thay vì tình hình xung quanh. Trong một số giai đoạn của cuộc tập trận, tồn tại sự thiếu phối hợp khi J-11 hộ tống các máy bay khác".
Các phi công Trung Quốc "không có kinh nghiệm tránh tên lửa", và "phản ứng của họ quá máy móc và không thể đánh giá đúng kỹ thuật lẩn tránh đối với các loại tên lửa ở những tầm bắn khác nhau".
Quá trình huấn luyện chưa sát với thực tế đã cản trở khả năng không chiến của phi công Trung Quốc. Ảnh: gov.cn
Bắc Kinh biết rằng các phi công của họ cần được huấn luyện tốt hơn. Trong khoảng năm 2005, Không quân Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận đường không thực tế. Tuy nhiên, những sự kiện này vẫn chưa thể đào tạo được các phi công điêu luyện, có khả năng khai thác toàn diện các loại máy bay chiến đấu tốt nhất do Trung Quốc sản xuất.
"Nhiều bài báo và phát ngôn của các quan chức cấp cao Trung Quốc cho thấy Không quân Trung Quốc không tin rằng các cuộc diễn tập huấn luyện trước đây của họ đã chuẩn bị đầy đủ cho phi công và các lực lượng khác sẵn sàng trong thực chiến", Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết trong bản báo cáo tháng 1/2019 về quân đội Trung Quốc.
"Quá trình huấn luyện phi thực tế, thể hiện qua nhiều phương diện, đã cản trở khả năng không chiến của không quân Trung Quốc" – Bản báo cáo nhận định.
Quân đội Trung Quốc "thừa nhận rằng có một khoảng cách lớn tồn tại giữa kỹ năng của phi công nước này với phi công của các quốc gia hùng mạnh".
"Để khắc phục điểm yếu trong huấn luyện, một cựu chỉ huy không quân Trung Quốc cho rằng không quân Trung Quốc cần được ‘huấn luyện để chiến tranh’, thay vì làm những thứ để phô diễn".