Tiêm kích F-35: "Con cú vọ" thu thập hết thông tin tình báo về vũ khí Nga ở Syria?

Trung Phạm |

Các hệ thống vũ khí mới của Nga, từ máy bay Su-34, Su-35, hệ thống phòng không Pantsir-S1 tới các tên lửa hành trình được cho là đều không thoát khỏi "vòng kim cô" của F-35 Israel.

Mặc dù Israel không phải là đối tác của chương trình chế tạo F-35 và thậm chí cương vị thành viên hợp tác an ninh cũng đã từng bị ngưng lại do bán các công nghệ nhạy cảm của phương Tây cho Trung Quốc những năm 1990 nhưng Tel Aviv vẫn trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới trang bị loại máy bay tàng hình này của Mỹ với đầy đủ các tính năng hoạt động.

Theo kế hoạch dự kiến, Không quân Israel (IAF) sẽ sở hữu khoảng 12 chiếc tiêm kích phản lực hạng nhẹ 1 động cơ F-35 vào cuối năm 2018. Đây cũng sẽ là dòng máy bay thế hệ 5 duy nhất được triển khai ở khu vực và sẽ đảm nhận vai trò thay thế tốt hơn cho dòng F-16 Fighting Falcon thuộc thế hệ thứ 4 tiền nhiệm hiện vẫn đang giữ vai trò trụ cột của Không quân Israel.

Ưu tiên bán các chiến đấu cơ F-35A cho Israel dường như là một động thái khá khác thường đối với Mỹ vì Washington mới chỉ bắt đầu lấp đầy các đơn hàng cho chính không quân của mình và một số ít đối tác đồng minh thân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngay trong nội bộ Israel cũng diễn ra những tranh cãi gay gắt xung quanh việc mua F-35 bởi vì để sở hữu và vận hành nó phải bỏ ra một chi phí quá đắt đỏ, và theo nhiều cách so sánh khác nhau, loại tiêm kích tàng hình này thậm chí còn không uy lực bằng chiếc F-15 thế hệ cũ mà IAF đang có trong biên chế hiện nay.

IAF đã phát đi tín hiệu cho thấy, việc phủ đầy đơn hàng 100 chiếc F-35 như kế hoạch ban đầu là khó có khả năng xảy ra vì lực lượng này đang tính tới ưu tiên cho chương trình mua sắm các dòng chiến đấu cơ khác, chẳng hạn như F-15I, loại tiêm kích vẫn có nhiều ưu điểm đáng kể so với F-35 trên nhiều khía cạnh.

Tiêm kích F-35: Con cú vọ thu thập hết thông tin tình báo về vũ khí Nga ở Syria? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Israel

Những cặp mắt "cú vọ" thu thập thông tin về vũ khí Nga

Tuy nhiên, việc trang bị F-35 cho IAF càng sớm càng tốt sẽ mang lại cho Mỹ rất nhiều lợi ích quan trọng khác, ngoài những cái lợi có thể dễ dàng nhận thấy nhất là tăng cường các khả năng phòng thủ cho đồng minh Trung Đông. Tại sao vậy?

Trước hết, bản thân IAF cũng nhận thấy tính cần thiết phải trang bị F-35, dù chỉ với số lượng nhỏ, do những căng thẳng gia tăng với Iran - quốc gia dù thiếu vắng các hệ thống phòng không tân tiến như S-400, vẫn có thể áp dụng chiến thuật chống tiếp cận, chống xâm nhập hiệu quả với các máy bay thế hệ cũ hơn của Israel như F-15 và F-16.

Tiêm kích F-35: Con cú vọ thu thập hết thông tin tình báo về vũ khí Nga ở Syria? - Ảnh 2.

F-35 Israel hoạt động trên không phận Lebanon

Nhưng có lẽ động cơ lớn nhất để Mỹ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hợp đồng F-35 cho Israel là một khi phương tiện này nằm trong tay Tel Aviv nó sẽ mang lại các thông tin tình báo giá trị cho cả hai quốc gia.

Nga hiện đang duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu ở Syria nên tất nhiên Mỹ coi đây là một thời cơ hiếm có để thu thập, phân tích và đánh giá về các khí tài mới nhất của Moscow. Các hệ thống cảm biến, radar tân tiến của F-35 là một trong những công cụ quý báu để Mỹ thực hiện mục tiêu này.

Các hệ thống vũ khí mới của Nga, từ máy bay Su-34, Su-35, hệ thống phòng không Pantsir-S1 tới các tên lửa hành trình Kh-101 và Kalibr, tất cả đều đã phô diễn sức mạnh tại Syria nhưng có điều chúng không thoát khỏi "vòng kim cô" của các cảm biến F-35 Israel.

Có một thực tế là, bất chấp có được phép của chủ nhà vận hành hay không thì F-35, được cho rằng, đều tự động chuyển mọi dữ liệu hoạt động của nó về cho hãng sản xuất Lockheed Martin đặt trụ sở tại Mỹ. Đó là chưa kể, với vai trò là một đồng minh của Mỹ trong khu vực, Israel chắc chắn duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Washington.

Tiêm kích F-35: Con cú vọ thu thập hết thông tin tình báo về vũ khí Nga ở Syria? - Ảnh 3.

Tiêm kích phản lực hạng nhẹ 1 động cơ F-35

Bình luận về cơ hội thu thập các thông tin từ các đối thủ đang hoạt động ở Syria, Trung tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Không quân Mỹ từng cho rằng F-35 là một phương tiện lý tưởng đảm trách vai trò này.

"F-35 mang lại cho chúng tôi rất nhiều thông tin quý báu về môi trường tác chiến ở Syria. Nhờ các cảm biến của F-35 mà chúng tôi học được nhiều thứ và qua đó tiến hành các hoạt động cải tiến không chỉ cho F-35 mà còn cho cả các hệ thống vũ khí khác. Đó là một lợi thế rất lớn mà F-35 mang lại cho chúng tôi", tướng Harrigian chia sẻ.

Như vậy có thể thấy, sự hiện diện của F-35 ở Israel là một tài sản vô cùng giá trị cho cả Mỹ và đồng minh Trung Đông dưới vai trò là một "cỗ máy thu thập thông tin tình báo", không những giúp hai nước hiểu biết tốt hơn về khả năng của các đối thủ, đặc biệt là Nga, mà qua đó còn giúp nhà sản xuất tối ưu hóa thiết kế cho F-35 dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn từ vùng chiến sự.

F-35 - Tiêm kích tàng hình đắt nhất, tối tân nhất trong lịch sử Quân đội Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại