Tại sao tàu ngầm "Hố Đen Đại Dương" của Nga lại khiến phương Tây khiếp sợ?

Anh Tú |

Các tàu ngầm Kilo của Nga là một mối đe dọa lớn đối với lực lượng hải quân các quốc gia thù địch và là một phương tiện mà phương Tây đặc biệt lo ngại khi phải đối đầu.

Cả thế giới hiện có bao nhiêu chiếc tàu ngầm Kilo?

Quân đội Nga hiện đang sở hữu một lực lượng tàu ngầm lớn thứ tư thế giới với tổng cộng 63 chiếc, chỉ đứng sau Triều Tiên (76 chiếc), Mỹ (70 chiếc) và Trung Quốc (68 chiếc).

Trong khi toàn bộ tàu ngầm của Hải quân Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân thì Liên Xô trước đây và Nga ngày nay tập trung phát triển song song cả hai loại: hạt nhân và diesel.

Tàu ngầm hạt nhân có lợi thế lớn là có thể hoạt động dài ngày trên biển trong suốt nhiều tháng liên tục, được xem là một yếu tố chủ chốt để các quốc gia thực hiện đòn tấn công hạt nhân thứ hai, chẳng hạn như tàu ngầm lớp Dolphin của Israel hay Trident của Anh.

Tuy nhiên, các tàu ngầm diesel lại duy trì được khả năng sống sót cao bởi động cơ của chúng tĩnh lặng hơn khiến đối phương rất khó phát hiện.

Rất nhiều các cuộc tập trận đã chứng minh, tàu ngầm diesel đều vượt qua đối thủ chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nhiệm vụ tấn công các tàu mặt nước cũng như các tàu ngầm hạt nhân khác.

Nga hiện nay đang vận hành 28 tàu ngầm diesel lớp Kilo, đóng vai trò bổ trợ cho hạm đội hạt nhân tầm xa của đất nước. Nếu xung đột xảy ra ở châu Âu, Trung Đông và Viễn Đông, các tàu ngầm này thừa khả năng bảo vệ các vùng biển Nga cũng như của các nước đồng minh trước lực lượng hải quân các quốc gia thù địch.

Tại sao tàu ngầm Hố Đen Đại Dương của Nga lại khiến phương Tây khiếp sợ? - Ảnh 1.

Một tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Nga

Tại sao phương Tây khiếp sợ "Hố Đen Đại Dương" của Nga?

Tàu ngầm Kilo được Liên Xô đưa vào sử dụng lần đầu tiên năm 1980 và liên tục được nâng cấp phát triển trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. 59 tàu ngầm loại này cũng đang có trong biên chế của hải quân 8 nước khác trên thế giới.

Lớp tàu Kilo loại cũ được đánh giá là những tàu ngầm uy lực nhất từng được phát triển và đang được vận hành bởi Ba Lan (1 chiếc), Ấn Độ (9 chiếc), Iran (3 chiếc), Trung Quốc (2 chiếc) và Romania (1 chiếc).

Biến thể cải tiến của tàu ngầm Kilo thậm chí còn sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật ưu việt hơn, do chúng đặc biệt tĩnh lặng và đối phương gần như không thể phát hiện được khi chúng neo đậu tại chỗ.

Chính bởi ưu điểm này mà NATO đặt biệt danh cho các tàu ngầm Kilo cải tiến của Nga là "Hố Đen Đại Dương". Số tàu ngầm loại này hiện đang được Việt Nam vận hành với 6 chiếc, Algeria 4 chiếc (cùng 2 mẫu cũ hơn) và Nga.

Hải quân Nga đang duy trì 22 tàu Kilo biến thể cũ, 6 chiếc cải tiến và 6 chiếc nữa đã được Moscow đặt hàng cho Hạm đội Thái Bình Dương dự kiến đưa vào biên chế năm 2021. Một số quốc gia khác, trong đó có Philippines cũng đang bày tỏ sự quan tâm tới các tàu ngầm này của Nga.

Tại sao tàu ngầm Hố Đen Đại Dương của Nga lại khiến phương Tây khiếp sợ? - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa hành trình Kalibr

Các tàu ngầm Kilo cải tiến được trang bị tên lửa hành trình Kalibr - loại vũ khí tiên tiến có khả năng tấn công các các mục tiêu mặt nước, trên bộ và mục tiêu ngầm ở vận tốc gấp vài lần vận tốc âm thanh.

Tàu ngầm Kilo cũng có thể triển khai các ngư lôi và thủy lôi tân tiến và thậm chí là hệ thống phòng không Strela-3 cho phép chúng tấn công cả các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển.

Tính năng ưu việt nhất của Kilo có lẽ là khả năng sống sót bởi chế độ hoạt động cực kỳ tĩnh lặng của nó. Thân tàu Kilo làm bằng thép khử từ, động cơ có lớp lót hấp thụ xung động, đặc biệt lớp phủ bên ngoài vỏ tàu chống sonar cho phép giảm tối đa âm thanh phát ra, tăng độ tàng hình và nói chung là đối phương rất khó phát hiện.

Vỏ tàu Kilo cấu tạo phần lớn từ cao su nên cũng giúp giảm thiểu tiếng ồn. Mặc dù không thể lặn sâu dưới lòng biển nhiều tháng liền như các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng hệ thống tạo khí của Kilo có thể cung cấp cho thủy thủ đoàn lượng ô xi lên tới 260 giờ giúp con tàu kéo dài thời gian hoạt động dưới nước tới 2 tuần.

Các tàu ngầm Kilo được đánh giá là một thành công rất lớn của Nga, cả về mặt khả năng tác chiến và nhu cầu xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Chúng vẫn bộ lộ là một mối đe dọa lớn với lực lượng hải quân các nước thù địch và là một phương tiện mà phương Tây đặc biệt lo ngại khi phải đối đầu.

Việt Nam nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo năm 2015

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại