Danh sách các quốc gia đã ký tuyên bố chung đã được ban tổ chức hiển thị trên màn hình của trung tâm báo chí tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Theo một phóng viên của tờ The Kyiv Independent có mặt tại hiện trường, 80 quốc gia và tổ chức, bao gồm Ukraine và 4 tổ chức châu Âu đã ký tuyên bố chung cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia và tổ chức đã không ký vào bản tuyên bố này, Armenia, Bahrain, Brazil, Tòa thánh Vatican, Ấn Độ, Indonesia, Libya, Mexico, Saudi Arabia, Slovakia, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thái Lan và UAE.
Ngày 15/6, Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine đã bắt đầu ngày họp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Sau cuộc họp báo có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phái đoàn các nước bước vào phiên thảo luận chung, cùng với đó là các cuộc gặp bên lề.
Phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Thụy Sĩ tổ chức hội nghị, cũng như bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ mở ra cơ hội thiết lập hòa bình ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Viola Amherd đánh giá tình hình thế giới còn nhiều khó khăn nhưng Thụy Sĩ vẫn tiếp tục cam kết thúc đẩy đối thoại và hòa bình.
Theo bà Amherd, cuộc xung đột ở Ukraine đang đặt ra những thách thức và hội nghị lần này sẽ là cơ hội để các bên chia sẻ quan điểm, nhằm tìm một giải pháp cho hòa bình ở Ukraine.
Bà Amherd cho rằng cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị cho khả năng diễn ra đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan và đó là lý do hội nghị này diễn ra.
Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được tổ chức trong 2 ngày 15-16/6. Tham dự hội nghị có đại diện của tổng cộng 92 quốc gia, trong đó có gần 60 nguyên thủ. Nga không tham dự hội nghị. Dự kiến, tuyên bố chung của hội nghị sẽ được đưa ra trong ngày 16/6.