Khai mạc hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ

Hồng Nhung |

Hôm nay (15/6), Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức chính thức khai mạc. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đặt ra lộ trình để cả Ukraine và Nga tham gia vào tiến trình hòa bình trong tương lai, chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, việc thiếu sự tham gia của Nga đã khiến cho hội nghị này khó có cơ hội thành công.

Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, có 100 đoàn đại biểu, trong đó có 57 nguyên thủ quốc gia, sẽ tới tham dự hội nghị. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd sẽ có bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine trong ngày 15/6.

Thông cáo báo chí của Thụy Sĩ nhấn mạnh, mục đích của hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong tương lai và xác định các yếu tố thực tế, cũng như các bước có thể giúp hiện thực hóa tiến trình như vậy. Hội nghị sẽ có phiên họp toàn thể, với nội dung thảo luận về các chủ đề được đề cập trước đó. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về cách thức và thời điểm Nga có thể tham dự tiến trình này. Trong thông cáo báo chí, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đánh giá việc xây dựng một giải pháp lâu dài cuối cùng cần có sự tham gia của cả hai bên liên quan.

Khai mạc hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine bắt tay với Tổng thống Thụy Sĩ (trái) tại Ukraine năm 2022. Ảnh: AP

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Thụy Sĩ nêu rõ: “Những kỳ vọng về hội nghị này rất rõ ràng: chúng tôi muốn bắt đầu một tiến trình rộng rãi liên quan đến nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine nhằm tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong tương lai với sự tham gia của Nga. Điều đó sẽ chỉ thành công khi có sự tương tác của các quốc gia".

Theo kế hoạch, hội nghị về Ukraine diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/6. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết nước này đã mời hơn 160 phái đoàn tham dự hội nghị, trong đó có các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số tổ chức quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 là những nhà lãnh đạo G7 đầu tiên xác nhận sẽ tham dự hội nghị. Bất chấp hy vọng của Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự, thay vào đó, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đại diện cho Mỹ.

Nga đã từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ lần này, mô tả đây là một sự lãng phí thời gian. Sự vắng mặt của Nga kéo theo một số nước như Trung Quốc từ chối tham dự, với lý do các cuộc đàm phán hòa bình sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không có cả Nga và Ukraine cùng tham gia.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Trung Quốc rất coi trọng hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine đầu tiên do Thụy Sỹ tổ chức và đã liên lạc chặt chẽ với phía Thụy Sĩ và các bên liên quan về cuộc họp kể từ đầu năm nay. Trung Quốc đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình. Nếu không, sẽ khó đóng vai trò thực chất trong việc khôi phục hòa bình".

Theo đánh giá của giới chuyên gia, yếu tố không thể thiếu trong việc việc tổ chức một hội nghị hòa bình chính là sự tham gia của các bên chủ chốt. Sự vắng mặt của một trong các bên, trong đó có Nga đã phần nào làm giảm đi những kỳ vọng về bất kỳ sự đột phá nào tại hội nghị lần này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại