Theo tờ New York Times (NYT), Mỹ và Ba Lan đã không hài lòng trước những đề xuất này vì lo ngại chúng sẽ dẫn đến việc “giải giáp” Ukraine.
Nhật báo Mỹ đã xuất bản ba tài liệu. Một đề ngày 17/3/2022 được cho là văn bản dự thảo hiệp ước do phía Ukraine đề xuất. Phiên bản tiếng Anh được cho là do NYT thu được.
Theo các điều khoản trong tài liệu, Ukraine đã đồng ý duy trì tình trạng "trung lập vĩnh viễn" để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Họ cũng được cho là sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào và chấm dứt các thỏa thuận không phù hợp với tình trạng trung lập của mình.
Kiev cũng phải công nhận Crimea là của Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập, cũng như khôi phục cơ sở hạ tầng bị lực lượng của nước này phá hủy trong khu vực từ năm 2014 đến năm 2022.
Văn bản này cũng đặt ra giới hạn đối với số lượng thiết bị quân sự hạng nặng của Ukraine. Mặc dù Nga nói rằng trên thực tế họ không "yêu cầu việc cắt giảm Lực lượng Vũ trang", theo nguồn tin này.
Tài liệu do NYT xuất bản cũng có nhiều ghi chú quan trọng từ cả hai bên gọi các điều khoản hoặc từ ngữ nhất định là “không thể chấp nhận được”. Các chú thích không thể hiện sự phản đối của Ukraine đối với ý tưởng công nhận Crimea là một phần của Nga hoặc chính thức trao quyền độc lập cho các nước cộng hòa vùng Donbass.
Theo NYT, dự thảo thỏa thuận không được lòng các quan chức Mỹ. Một quan chức cấp cao giấu tên nói với tờ báo rằng tại một cuộc họp với những người đồng cấp Ukraine, người Mỹ gọi đó là “việc giải trừ vũ khí đơn phương”. Ba Lan được cho là muốn ngăn cản thỏa thuận được thực hiện. NYT cho biết Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo NATO vào tháng 3.
Ở tài liệu thứ hai, đề ngày cuối tháng 3, được cho là một thông cáo chung nội bộ, trong đó mở rộng danh sách bảo đảm an ninh cho Ukraine và nói thêm rằng tình trạng của Crimea sẽ do Moscow và Kiev xác định trong thời gian từ 10 đến 15 năm.
Tài liệu thứ ba được NYT công bố được cho là một dự thảo thỏa thuận hiệp ước ngày 15/4/2022. Theo tài liệu này, Ukraine vẫn phải trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh, nhưng được phép gia nhập EU và tham gia trong “các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”. Quyết định về tình trạng của Crimea đã bị hoãn lại.
Theo các ghi chú, Kiev đã từ chối thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với Nga và các khiếu nại pháp lý chung được đệ trình lên nhiều cơ quan quốc tế khác nhau. Theo tài liệu, họ cũng từ chối xem xét các vấn đề liên quan đến tình trạng của tiếng Nga ở Ukraine hoặc cấm tuyên truyền của Đức Quốc xã và tân Quốc xã.
Moscow được cho là đã yêu cầu bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào trong tương lai cho Ukraine chỉ được thông qua trên cơ sở quyết định chung của tất cả các bên bảo đảm an ninh. NYT tuyên bố, yêu cầu này hóa ra lại là vấn đề lớn nhất đối với Kiev và nói thêm rằng các bên cũng không thống nhất được về loại vũ khí mà Ukraine được phép sở hữu.
Một số thành viên của phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán vẫn tin rằng họ đã tiến rất gần đến việc đạt được một thỏa thuận. Aleksandr Chaly, một trong những nhà đàm phán Ukraine cho biết vào tháng 12 năm ngoái: “Chúng tôi đã tìm được một thỏa hiệp thực sự. Chúng tôi đã ở rất gần việc kết thúc cuộc chiến bằng một giải pháp hòa bình nào đó”.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận “nhìn chung được cả Moscow và Kiev chấp nhận”. Tổng thống Nga cho biết một dự thảo hiệp ước đã được soạn thảo và được người đứng đầu phái đoàn Ukraine ký tắt. “Điều đó có nghĩa là Kiev… hài lòng với giải pháp như vậy.”
Moscow vẫn chưa chính thức bình luận về tính xác thực của các tài liệu mà NYT công bố. Tài liệu được NYT cho biết đã được xác nhận bởi những người tham gia giấu tên tại cuộc đàm phán.
Hai bên đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ mùa xuân năm 2022, khi Kiev rút lui khỏi các cuộc thảo luận.
Nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại Istanbul, David Arakhamia, tuyên bố vào tháng 11 năm ngoái rằng Thủ tướng Anh lúc đó là ông Boris Johnson đã tới Kiev để thuyết phục Tổng thống Vladimir Zelensky rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga.
Kể từ đó, Nga đã nhiều lần ra tín hiệu sẵn sàng đối thoại, đồng thời cáo buộc Kiev và các nước phương Tây ủng hộ nước này từ chối tham gia ngoại giao.