Nga không tham dự, Hội nghị hòa bình về Ukraine có thể đạt được điều gì?

Kiều Anh |

Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức vào tuần này không phải là một hội nghị hòa bình như thường lệ. Nga sẽ không tham dự và giới quan sát hiểu rõ, bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đều sẽ không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu không có sự tham gia của Moscow.

Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh này đóng vai trò như một dịp để Kiev thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi cho điều mà nước này gọi là "con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine". Cụ thể, nước này muốn xây dựng sự nhất trí liên quan đến một số nguyên tắc cơ bản cho thỏa thuận tương lai.

"Công thức hòa bình" 10 điểm của Tổng thống Volodymyr Zelensky, được đưa ra lần đầu vào tháng 11/2022 nhấn mạnh đến những tổn thất của Ukraine trong xung đột và đưa ra những cáo buộc về mối nguy hiểm Nga gây ra cho các quốc gia khác.

Nga không tham dự, Hội nghị hòa bình về Ukraine có thể đạt được điều gì?- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Kế hoạch này bao gồm:

1. An toàn hạt nhân, tập trung vào việc khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.

2. An ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.

3. An ninh năng lượng, nhấn mạnh đến các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

4. Trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga.

5. Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine như trước năm 2014 theo biên giới được quốc tế công nhận.

6. Nga rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Ukraine.

7. Công lý theo luật pháp quốc tế, trong đó có một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh và bồi thường tổn thất cho Ukraine.

8. Giải quyết những phá hủy môi trường do xung đột gây ra.

9. Các đảm bảo an ninh cho Ukraine .

10. Hội nghị hòa bình đa phương với một hiệp định mang tính ràng buộc để chấm dứt xung đột.

Thành phần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Ukraine

Ukraine đã đưa ra một đề xuất trong các cuộc họp không chính thức 18 tháng qua. Nước chủ nhà Thụy Sĩ cho biết khoảng 90 quốc gia đã đồng ý tham dự trong số 160 quốc gia được mời. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu sẽ xuất hiện ở đây và Mỹ cử Phó Tổng thống Kamala Harris tham dự.

Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra ngay sau Hội nghị G7 tuần này ở Italy. Ukraine hy vọng G7 sẽ củng cố sự ủng hộ những nỗ lực của nước này, đặc biệt là qua các hành động về vấn đề bồi thường thiệt hại chiến tranh. Điều này bao gồm việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga cho việc tái thiết và phòng thủ của Ukraine.

Những hội nghị sắp tới của NATO và EU vào tháng 7 cũng đóng vai trò quan trọng cho việc đảm bảo an ninh và thúc đẩy quá trình trở thành thành viên của Ukraine trong những tổ chức này.

Tuy nhiên, đối tượng chính mà Ukraine muốn nhắm tới trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình là những quốc gia ở Bán cầu Nam. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lãnh đạo các nước lớn như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi tham dự hay họ sẽ cử các quan chức cấp dưới.

Có những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia và Pakisran cùng một số nước khác sẽ không tham dự hội nghị này.

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không tham gia khi khi dẫn ra sự vắng mặt của Nga.

Những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự

Chính phủ Ukraine cho biết sẽ ưu tiên vấn đề an toàn hạt nhân, an ninh năng lượng, trao trả tù nhân và trẻ em bị trục xuất tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Đây là những vấn đề có triển vọng cao đạt được sự nhất trí giữa các bên. Chính phủ Ukraine cảm thấy họ cần xúc tiến các điểm khác của kế hoạch hòa bình một cách từ từ.

Thụy Sĩ cũng hạ thấp kỳ vọng về những tiến triển lớn có thể đạt được. Họ đã đề xuất một hội nghị thứ hai nếu cần thiết trong trường hợp có sự tham dự của Nga,

Một mục tiêu chính khác trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần này là tăng cường sự ủng hộ cho ý tưởng rằng, bất kỳ thỏa thuận nào đều phải đưa đến sự khôi phục biên giới được công nhận của Ukraine. Để đạt được điều này, Ukraine đã dẫn ra Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, yêu cầu các nước không sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác.

Ukraine cũng coi hội nghị thượng đỉnh này như một nỗ lực chống lại các đề xuất của một số quốc gia hoặc cá nhân, ám chỉ Kiev phải chấp nhận mất lãnh thổ vĩnh viễn trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Các vùng lãnh thổ này có thể bao gồm Crimea và khu vực Donbass.

Nga cho biết việc rút toàn bộ quân khỏi Ukraine không phải ý tưởng khả thi để đàm phán. Ngoài ra, nếu không có sự tham dự của Moscow, bất kỳ hội nghị hòa bình nào sẽ chỉ đạt được những kết quả thực tế khiêm tốn. Một số bài báo tiết lộ, tuyên bố dự thảo thậm chí không bao gồm những vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ,

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng cho rằng hội nghị lần này cơ hội để Ukraine thu hút sự chú ý từ cộng động quốc tế sau nhiều tháng dư luận tập trung vào chiến sự Gaza.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại