Theo đó, nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống Pantsir-M sẽ được lắp đặt lên con tàu thuộc Hạm đội Biển Đen. Nó sẽ trải qua một loạt các bài thử nghiệm bao gồm phóng tên lửa, bắn pháo vào các mục tiêu trên biển, trên đất liền và trên không.
So sánh với phiên bản Pantsir-S trên bộ, phiên bản hải quân Pantsir-M có tầm phát hiện và diệt mục tiêu xa hơn. Còn theo các chuyên gia, nhờ hệ thống Pantsir-M, các tàu hải quân của Nga sẽ có được lớp phòng vệ hữu hiệu nhất trước các mối đe dọa từ trên không như: tên lửa hành trình, máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và bom.
Tổ hợp này cũng có thể chống lại mục tiêu là tàu chiến hoặc xuồng không người lái của đối phương.
Tàu tên lửa Shuya (số hiệu 962) thuộc đề án 1241.7 lớp Molniya của Hải quân Nga.
Theo thông tin mà tờ Izvestia có được từ Tư lệnh Hải quân Nga, việc lắp đặt hệ thống Pantsir-M lên tàu tên lửa Shuya (R-71, số hiệu trên thân tàu là 961) thuộc đề án 1241.7 lớp Molniya đã được tiến hành tại một trong các nhà máy đóng tàu ở Crimea.
Toàn bộ module chiến đấu của tổ hợp, radar và các thiết bị khác sẽ được đặt lên bệ của hệ thống CIWS Kortik (phiên bản xuất khẩu là hệ thống Kashtan) vốn trước đây lắp trên tàu Shuya. Các hệ thống Kortik vốn đã bị dừng sản xuất cách đây 15 năm và hệ thống lắp trên tàu Shuya cũng đã được tháo ra trước đó.
Dự tính việc lắp đặt hệ thống Pantsir-M lên tàu Shuya sẽ hoàn tất trong năm 2018 và sau đó, con tàu sẽ tiến hành thử nghiệm ở vùng Biển Đen.
Tàu tên lửa Shuya khi còn được trang bị hệ thống Kortik.
Theo như các nhà phát triển thì radar của hệ thống Pantsir-M có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách 75km. Hệ thống này có thể tạo ra vòm bảo vệ không thể xuyên thủng với bán kính lên đến 40km (thay vì 20km như ở hệ thống Pantsir-S1) và độ cao 15km.
Hệ thống này có thể tự động đánh chặn 4 mục tiêu bay với tốc độ bay lên đến 1000m/giây (tương đương với khoảng 3600km/giờ).
"Pantsir-M có thể đối phó với gần như toàn bộ các mối đe dọa mà tàu chiến của Hải quân Nga có thể đối mặt ở trên biển. Đây là một sự bảo vệ hiệu quả trước các loại tên lửa siêu và cận âm. Nó cũng dễ dàng tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu thông thường, trực thăng cũng như máy bay không người lái," nhà sử học Dmitry Boltenkov cho biết.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yury Borisov cho biết, chiếc tàu tên lửa thuộc đề án 22800 lớp Karakurt thứ ba sẽ được lắp đặt hệ thống Pantsir-M.
Tàu tên lửa Shuya được đóng tại nhà máy Sredne-Nevsky vào năm 1983. Con tàu có lượng giãn nước 495 tấn, tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 1600 hải lý (ở tốc độ 20 hải lý/giờ). Tàu được trang bị 2x2 ống phóng tên lửa chống hạm Termit.