Mặc dù báo cáo của SIPRI mới chỉ cập nhật thông tin trên, tuy nhiên từ năm 2017 một số hãng thông tấn và diễn đàn quân sự nước ngoài (trong đó có cả trang Sputnik tiếng Việt) đã đăng tải hình ảnh chiếc tàu hộ vệ Pohang về tới Việt Nam và được đánh số hiệu mới là 18.
Sự kiện này đánh dấu "bước đi lịch sử" của Hải quân Việt Nam, khi lần đầu tiên kể từ thời điểm Liên Xô sụp đổ chúng ta được nhận chiến hạm đúng nghĩa do nước ngoài trao tặng. Cần lưu ý thêm rằng trước tàu Pohang thì Việt Nam chỉ được viện trợ tàu tuần tra dành cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Không loại trừ khả năng trong tương lai ngoài chiếc tàu hộ vệ lớp Pohang và tàu CSB 8003, Hải quân cùng với Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục được Hàn Quốc tặng tàu chiến hoặc tàu tuần tra đã qua sử dụng, do nhu cầu của chúng ta đối với việc thay thế những chiếc Petya đã cũ và mở rộng quy mô đội tàu chấp pháp là rất cấp thiết.
Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang Flight III Hàn Quốc tặng Việt Nam. Ảnh: Sputnik tiếng Việt.
Không chỉ tàu chiến cũ, triển vọng để Hàn Quốc nhận được các hợp đồng đóng mới đi kèm chuyển giao công nghệ sản xuất chiến hạm hiện đại cho Hải quân Việt Nam trong tương lai là viễn cảnh đang được nhắc đến.
Việt Nam hiện đang tìm kiếm một lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ 2.000 tấn hiện đại, trang bị vũ khí mạnh, có kết cấu module tiên tiến và quan trọng nhất là phía đối tác sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật để chúng ta có thể chế tạo tại chỗ.
Một số ứng viên tiềm năng trong quá khứ như Gepard 3.9 hay SIGMA 9814 đang dần trở nên xa vời vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, ví dụ như vướng mắc về kỹ thuật, thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu, hay khó khăn trong việc tự tích hợp vũ khí, khí tài có nguồn gốc từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Thủy thủ đoàn khu trục hạm lớp Chungmugong Yi Sun-sin xếp hình số 25 cùng quốc kỳ Việt Nam - Hàn Quốc nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước
Trong tình cảnh trên, thiết nghĩ Việt Nam cần mạnh dạn tìm kiếm một địa chỉ mới và Hàn Quốc nên được xem là ứng viên sáng giá. Quốc gia Đông Bắc Á này có nền công nghiệp đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới, thiết kế chiến hạm của họ rất tiên tiến, thời gian thi công cực nhanh và quan trọng hơn cả là sẵn sàng trợ giúp công nghệ lẫn kỹ thuật cho đối tác.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc đã trúng thầu hợp đồng đóng mới khinh hạm 3.000 tấn lớp Incheon cho Hải quân Philippines, đóng và hỗ trợ công nghệ sản xuất khinh hạm DW-3000F cho Hải quân Thái Lan cùng với tàu ngầm Type 209 cho Hải quân Indonesia.
Học tập bạn bè trong khối ASEAN để hướng sự quan tâm sang tàu chiến mặt nước của Hàn Quốc có lẽ là lựa chọn không tồi, thậm chí không quá khi nói rằng đây thực sự là một phương án tốt.
Băn khoăn cuối cùng về chất lượng của khung vỏ cũng như vũ khí tích hợp trên tàu sẽ được đánh giá sau quá trình sử dụng chiếc Pohang hay CSB 8003. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì những con tàu cũ này có thể sẽ trở thành người mở lối để tàu quân sự xuất xứ Hàn Quốc gia nhập biên chế Hải quân Việt Nam.
Khu trục hạm Dae Joyeong (DDH 977) thuộc lớp Chungmugong Yi Sun-sin của Hải quân Hàn Quốc