Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022

Thanh Long |

Khác với vắc-xin, thuốc kháng virus có thể được chuyển giao và sản xuất dễ dàng ngay cả ở các nước nghèo theo cơ chế generic. Nó sẽ được phân phối công bằng và nhanh chóng hơn.

Một bước ngoặt quan trọng mang tính quyết định trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu là con người đã có được vắc-xin. Các mũi tiêm đã được chứng minh là an toàn, cung cấp khả năng miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh nặng và tử vong.

Nhưng tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc tiếp cận vắc-xin và tiêm chủng cho phần lớn dân số vẫn gặp nhiều khó khăn. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Rõ rằng, thế giới cần nhiều hơn một thứ vũ khí để chống lại dịch bệnh. Chúng ta cần một loại thuốc điều trị COVID-19, lý tưởng là một loại thuốc kháng virus đơn giản có thể chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nhẹ đến nặng, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong cho họ.

Vậy công việc này đang được các hãng dược phẩm thực hiện tới đâu? Tờ Bloomberg đã có một cuộc phỏng vấn với Sam Fazeli, người phụ trách lĩnh vực dược phẩm cho Bloomberg Intelligence để làm sáng tỏ vấn đề.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 1.

Sam Fazeli, người phụ trách lĩnh vực dược phẩm cho Bloomberg Intelligence

Bloomberg: Xin ông cho biết tầm quan trọng của thuốc kháng virus và cách một loại thuốc điều trị COVID-19 có thể giúp chúng ta quản lý đại dịch?

Sam Fazeli: Ngày càng có nhiều người nhận ra được một thực tế rằng, chúng ta sẽ không thể tiêm vắc-xin đủ nhanh cho dân số toàn cầu, ít nhất là nhanh như chúng ta muốn và nên làm vậy. Điều này một phần là do khó khăn trong việc sản xuất vắc-xin, mặc dù chúng ta đã có hàng tỷ liều được tiêm và sẽ còn nhiều hơn thế nữa.

Nhưng quan trọng hơn, vắc-xin đã được phân phối nhiều hơn tới các nước có thu nhập cao. Ngược lại, một số quốc gia đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng cực kỳ thấp hoặc đang phải sử dụng các loại vắc-xin không hiệu quả bằng vắc-xin mRNA từ Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

Đối với các quốc gia này, nếu có một loại thuốc điều trị COVID-19 an toàn, hiệu quả và có khả năng áp dụng trên quy mô rộng sẽ giúp họ giảm gánh nặng bệnh tật và giảm bớt một số áp lực cho hệ thống y tế trong lúc họ chờ đợi vắc-xin.

Những loại thuốc này cũng có thể giúp điều trị các ca bệnh đột phá, nghĩa là những người đã được tiêm chủng nhưng vẫn mắc COVID-19.

Ngoài ra, thuốc kháng virus là đặc biệt quan trọng đối với những người có tình trạng sức khỏe cực kỳ yếu, đến nỗi họ không thể tiêm vắc-xin vì sẽ đem đến rủi ro cho họ. Một số người thậm chí không thể đáp ứng với vắc-xin, như những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Một loại thuốc kháng virus có thể sẽ cứu tính mạng họ nếu không may nhiễm COVID-19.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 2.

Thuốc kháng virus có thể hoạt động theo cơ chế nào, thưa ông?

Mục đích của bất kỳ loại thuốc kháng virus nào là can thiệp vào khả năng tự sao chép hoặc tái tạo của virus. Điều này trái ngược với các kháng thể - dù được tạo ra bởi vắc-xin hay được truyền trực tiếp – có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào. (Vắc-xin cũng tạo ra phản ứng miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, do đó làm giảm sự nhân lên của virus).

Một số thuốc kháng virus được phát triển để làm giả các khối vật liệu mà virus sử dụng để tạo lên bộ gen của nó, trong trường hợp SARS-CoV-2 không phải là DNA mà là RNA. Thuốc hoạt động bằng cách làm ngập bộ gen của virus với các đột biến hoặc lỗi, khiến các gen của nó trở nên vô dụng và ngừng sao chép.

Đây là cách mà một ứng cứ viên của hãng dược phẩm Merck, thuốc molnupiravir (được cấp phép từ Ridgeback Biotherapeutics) đang hoạt động. Ngoài ra, có hai loại thuốc khác cũng đang được phát triển và tôi đang theo dõi chúng:

Một loại được sản xuất bởi Pfizer và loại còn lại của Roche Holding AG (hợp tác với Atea Pharmaceuticals). Cả hai đều có "cơ chế hoạt động" giống nhau, chúng ngăn chặn chức năng của một enzym quan trọng mà virus cần để tự lắp ráp.

Cả thuốc của Pfizer và Roche đều cho thấy tác dụng chống virus trong các nghiên cứu trên động vật và nuôi cấy tế bào. Thuốc của Roche đang phát triển thậm chí đã cho một số kết quả trong thử nghiệm ban đầu trên người, khi nó làm giảm tải lượng virus trong bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 3.

Tại sao các liệu pháp đã được phê duyệt như kháng thể hoặc remdesivir không thể thực hiện công việc như một loại thuốc kháng virus?

Các loại kháng thể từ các công ty như AbCellera Biologics, Eli Lilly & Co, GlaxoSmithKline-Vir Biotechnology và Regeneron Pharmaceuticals đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện nếu được sử dụng đủ sớm.

Trong một thử nghiệm lớn được thực hiện tại Vương quốc Anh, loại kháng thể "cocktail" của Regeneron đã được chứng minh là có công dụng đối với một số bệnh nhân nhập viện. Nhưng nhược điểm của kháng thể là chúng rất đắt tiền và đòi hỏi quá trình sản xuất phức tạp, thường cần một số nguyên liệu tương tự trong sản xuất vắc-xin.

Còn đối với thuốc Remdesivir, nó chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân đang ở trong bệnh viện. Vì vậy, Remdesivir sẽ không hữu ích như một loại thuốc để ngăn ngừa bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ nhập viện vì COVID-19.

Và ngay cả khi nó được chấp thuận sử dụng, lợi ích của Remdesivir vẫn ở mức cận biên so với chi phí của nó. Tôi cũng lưu ý, những loại thuốc này rất khó bảo quản và sử dụng - chúng được dùng bằng cách tiêm hoặc truyền. Nếu chúng ta phát triển thành công một loại thuốc viên, nó sẽ là một giải pháp thay thế dễ quản lý hơn nhiều.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 4.

Thuốc kháng virus có dễ bị các biến thể COVID-19 kháng lại hay không?

Hầu hết tất cả các biến thể COVID-19 được quan tâm hiện nay đã tiến hóa để kháng lại phần nào khả năng miễn dịch cũng đang phát triển của những người đã bị nhiễm virus. Vì vậy chúng cũng có thể, mặc dù ít khả năng hơn, sẽ phát triển ở những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai liều vắc-xin.

Thuốc kháng virus phân tử nhỏ chắc chắn cũng có thể dẫn đến các chủng virus có khả năng kháng lại việc điều trị.

Cách để chấm dứt tình trạng kháng thuốc của virus là sử dụng đồng thời hai loại thuốc có cơ chế hoạt động khác nhau hoặc sử dụng một loại thuốc nhắm vào một bộ phận của virus mà nó rất khó thay đổi hoặc đột biến. Sự kháng thuốc đúng là một rủi ro cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Thuốc kháng virus có chống lại được các ca nhiễm COVID-19 kéo dài, tái dương tính?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi sẽ đề cập đến những thông tin chúng ta đang tìm hiểu về vắc-xin. Vắc-xin cũng có thể có tác dụng kháng virus. Những kết quả nghiên cứu mới cho thấy việc chủng ngừa giúp giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở hơn 50% những người đã được tiêm chủng.

Một giả thuyết cho rằng phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin dẫn đến việc giải phóng các túi nhiễm virus dai dẳng trong cơ thể. Nếu đúng như vậy, thuốc kháng virus cũng có thể có công dụng trong việc giúp những người mắc bệnh COVID-19 kéo dài bằng cách giúp loại bỏ các ổ virus cứng đầu và có khả năng tái lây nhiễm.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 5.

Trong trường hợp chúng ta có được một loại thuốc kháng virus như vậy, làm thể nào để triển khai chúng một cách hiệu quả?

Tin tốt là, việc sản xuất những loại thuốc này tương đối dễ dàng, chắc chắn sẽ dễ hơn so với việc sản xuất vắc-xin và sinh phẩm. Nhiều nước trên thế giới có thể được chuyển giao công nghệ để sản xuất một loại thuốc kháng virus như vậy.

Đây là lý do chính khiến tôi nghĩ rằng một hoặc nhiều loại thuốc kháng virus sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay.

Sản xuất dễ dàng hơn cũng dẫn đến việc thuốc kháng virus sẽ có giá thấp hơn. Không như vắc-xin, những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất cũng sẽ có khả năng tiếp cận được với thuốc kháng virus khi chúng được sản xuất chuyển giao hoặc theo cơ chế thuốc generic.

Thật vậy, Merck đã thực hiện các thỏa thuận với các nhà sản xuất thuốc generic và các hãng dược phẩm khác trên khắp thế giới để sản xuất thuốc molnupiravir.

Vậy đến khi nào thì các loại thuốc này có thể có mặt và "tham chiến"?

Hiện chúng ta đã có một số dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc molnupiravir của Merck. Nó rõ ràng có thể làm giảm số ca nhập viện vì COVID-19. Nhưng trong tập dữ liệu vẫn còn một số nếp gợn khiến các nhà khoa học chưa đưa ra được kết luận cụ thể.

Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ có được dữ liệu quan trọng từ nửa sau thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III của Merck, bên cạnh các dữ liệu của các loại thuốc khác đang được phát triển bởi Roche và Pfizer. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho sự kết hợp tiềm năng của các loại thuốc.

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, những loại thuốc này có thể được cung cấp sớm nhất vào đầu năm 2022.

Thuốc kháng virus: Hi vọng để kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2022 - Ảnh 6.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại