Thực hư Trung Quốc "thoát" Nga, sắp sản xuất hàng loạt Su-35 bản nhái

Thiên Minh |

Theo SCMP, Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào động cơ máy bay của Nga và sắp bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-11D - được ví von là "Su-35S phiên bản Trung Quốc".

Tờ SCMP (Hong Kong) cho biết, gần đây Bắc Kinh đã có bước đột phá đáng kể trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay. Trước đó, nước này vẫn phải nhập khẩu động cơ do Nga sản xuất để trang bị cho các tiêm kích thế hệ 5 J-20.

Dựa trên cơ sở ấy, tờ báo tuyên bố rằng Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào động cơ máy bay của Nga và sắp bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-11D - được ví von là "Su-35S phiên bản Trung Quốc".

Thực hư Trung Quốc thoát Nga, sắp sản xuất hàng loạt Su-35 bản nhái - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: RT

Tuy nhiên, trao đổi với đài Sputnik, chuyên gia phân tích quân sự Nga Vasily Kashin nhận định, dữ liệu mà tờ báo trên đưa ra có phần không chính xác.

Đầu tiên, còn quá sớm để kết luận rằng Trung Quốc không còn cần mua động cơ máy bay do Nga chế tạo, bởi trên thực thế, Bắc Kinh và Moscow mới ký một số hợp đồng cung cấp động cơ máy bay cách đây không lâu, cụ thể là vào mùa thu năm nay.

"Trung Quốc đã ký một hợp đồng mua lô động cơ D-30KP2 cho máy bay vận tải Y-20 và một hợp đồng khác mua động cơ AL-31F mới cho các máy bay chiến đấu của nước này, mỗi hợp đồng trị giá 658 triệu USD. Hiện không rõ chính xác họ muốn trang bị những động cơ này cho loại chiến đấu cơ nào, có thể cả J-20 và J-16.

Mặc dù ngành công nghiệp Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc cung cấp đầy đủ động cơ cho lực lượng không quân nhưng Bắc Kinh vẫn còn rất lâu nữa mới có thể tự túc hoàn toàn trong lĩnh vực này, nhất là động cơ cho những loại máy bay mới" - ông Kashin nói.

Cũng theo ông Kashin, Trung Quốc còn đang tìm cách mua thêm một lô động cơ máy bay 117S của Nga, có vẻ để về nghiên cứu, nhưng Moscow tỏ ra khá miễn cưỡng trước thỏa thuận này.

Thực hư Trung Quốc thoát Nga, sắp sản xuất hàng loạt Su-35 bản nhái - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là tiêm kích J-11D Trung Quốc. Ảnh: Chinese Military Review.

"Cần lưu ý rằng J-11D không thể được xem là Su-35 phiên bản Trung Quốc. Đây là nỗ lực riêng của họ nhằm tăng cường triệt để năng lực tác chiến cho các máy bay chiến đấu hạng nặng thuộc dòng Su-27. Thiết bị điện tử vô tuyến trên J-11D khác với Su-35 và 2 mẫu máy bay này cũng khác nhau về khung thân và hệ thống khí động học" - ông Kashin nhận xét.

Bên cạnh đó, theo ông Kashin, lịch sử phát triển tiêm kích thế hệ 5 tại Mỹ cho thấy lực lượng quân đội cần rất nhiều thời gian, nỗ lực để học cách sử dụng những máy bay này và trong thời gian đầu, chỉ nên sản xuất chúng với số lượng giới hạn.

"Có vẻ những chiếc J-20 đầu tiên đang được chuyển giao cho các đơn vị huấn luyện của PLA nhưng khó mà đoán được khi nào chúng sẽ sẵn sàng triển khai. Do chi phí của J-20 khá cao nên Trung Quốc sẽ phải sản xuất những máy bay này cùng với các chiến đấu cơ thế hệ 4 kém tinh vi hơn.

Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn cần tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tiêm kích J-11. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh lại muốn nghiên cứu thiết kế của Su-35 và có lẽ sẽ tiếp tục mua động cơ máy bay của Nga" - Vị chuyên gia nhận định.

Khả năng chiến đấu của Su-35

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại