3 vũ khí "bảo hiểm" của Nga khiến NATO phải tránh xa Kaliningrad

Thiên Minh |

Theo ông Igor Korotchenko- TBT tạp chí National Defense, Nga triển khai các đơn vị lục quân, hải quân và vũ khí tiên tiến tại Kaliningrad nhằm kiềm chế "sự hung hăng của NATO".

Trao đổi với phóng viên tại Đại học liên bang Immanuel Kant cuối tuần trước, ông Korotchenko đặc biệt nhấn mạnh tới mối đe dọa quân sự tiềm tàng đối với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và các phương pháp làm giảm căng thẳng tại vùng Baltic.

"Tại khu vực này, chúng ta có các hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion giúp bảo vệ biên giới" - ông Korotchenko nói.

3 vũ khí bảo hiểm của Nga khiến NATO phải tránh xa Kaliningrad - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển "Bastion"

Cũng theo ông Korotchenko, "bãi phóng tên lửa ở Ba Lan khiến chúng ta cần tới các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander để có cảm giác an toàn. Các hệ thống Iskander giúp chúng ta vô hiệu hóa những kế hoạch hung hăng của các nước láng giềng (NATO). 'Bảo hiểm' của chúng ta chính là lục quân, hải quân và các hệ thống vũ khí mới".

3 vũ khí bảo hiểm của Nga khiến NATO phải tránh xa Kaliningrad - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.

Ngoài 2 hệ thống trên, Nga còn triển khai tại Kaliningrad các tổ hợp tên lửa đất-đối-không S-400 để "buộc máy bay NATO tránh xa biên giới Nga".

"Bất cứ nhà phân tích quân sự nào của phương Tây cũng đều nhận thức rõ rằng về bản chất, lực lượng của chúng ta có chức năng phòng thủ và rằng chúng ta chỉ đang tự bảo vệ, chứ không phải chuẩn bị tấn công.

Tuy nhiên, họ lại khiến tình hình leo thang bằng cách tiến hành một loạt các cuộc tập trận NATO nhằm phát triển các phương thức tác chiến chống lại đất nước chúng ta" - ông Korotchenko nói.

3 vũ khí bảo hiểm của Nga khiến NATO phải tránh xa Kaliningrad - Ảnh 3.

Hệ thống phòng không S-400.

Theo vị chuyên gia, Kaliningrad không chỉ là tiền đồn phía tây của Nga mà còn là khu vực cần được phát triển và thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước láng giềng hữu hảo của Moscow.

"Không ai có ý định biến Kaliningrad thành pháo đài. Chúng ta sẵn sàng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta không cần tới các cuộc tập trận, đối đầu và khủng hoảng" - ông Korotchenko nhấn mạnh.

Theo đài Sputnik, kể từ năm 2014, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu, đặc biệt là ở các nước Đông Âu - láng giềng của Nga và dùng việc Moscow can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine như một cái cớ cho điều đó.

Moscow đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của NATO và cảnh cáo rằng, việc NATO tăng cường lực lượng gần biên giới Nga là hành động khiêu khích, đe dọa cân bằng chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại