“Vào đầu tháng 6/2017, truyền thông Nga đưa tin một lữ đoàn tên lửa mặt đất tiếp nhận hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M. Đây là đơn vị tên lửa mới được thành lập vào tháng 12/2016, đóng tại quân khu miền Đông.
Với việc tái trang bị Iskander-M thay thế cho hệ thống Tochka-U 9K79-1 cũ, lữ đoàn này đã trở thành lữ đoàn tên lửa thứ 4 đóng tại miền Đông được lắp đặt loại tên lửa này và khiến quân khu miền Đông trở thành quân khu được trang bị nhiều tên lửa Iskander-M nhất.
Hiện nay, Nga chỉ lắp đặt 2 hệ thống Iskander-M ở các quân khu còn lại”, tạp chí Diplomat của Nhật Bản viết trên bài bình luận đăng tải cách đây ít ngày.
Tạp chí này đã đặt ra câu hỏi về mục đích của việc triển khai tới 4 hệ thống tên lửa Iskander-M.
Hệ thống tên lửa Iskander-M.
"Trong khi Iskander-M được triển khai ở quân khu miền Tây với mục đích để ứng phó với các nguy cơ tới từ Mỹ và các lực lượng đồng minh, hệ thống được bổ sung ở Quân khu miền Đông rõ ràng phục vụ cho mục đích khác”, Diplomat cho rằng mục đích này có thể là tăng cường khả năng răn đe với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng việc nhận định Nga đang chĩa tên lửa về phía Trung Quốc chỉ dựa vào động thái nói trên là vô căn cứ.
Trước hết, chuyên gia này khẳng định việc triển khai lực lượng vũ trang Nga theo địa lý có liên quan mật thiết tới sự tan rã của Liên Xô.
Bên cạnh đó, Nga luôn coi tên lửa chiến thuật là một phần quan trọng trong lực lượng bộ binh Nga. Tuy nhiên, hiện tại Tochka-U đã già cỗi và không thể kéo dài thêm tuổi thọ nên cần phải được tái trang bị bằng Iskander M.
“Thật lạ khi nói tên lửa Nga đang nhằm vào Trung Quốc bởi Bắc Kinh sở hữu số tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung vượt trội so với Matxcơva.
Bản thân Nga không có ý định thay đổi sự mất cân bằng này và cũng không có quyền sản xuất các tên lửa đạn đạo và hành trình tầm từ 500 - 5.500km vốn là thành phần cơ bản trong tiềm năng tên lửa của Trung Quốc”, ông Kashin nhận định.
Nói với bình luận của Diplomat về các cuộc tập trận quy mô lớn mà Nga triển khai lớn tại quân khu miền Đông, nhà phân tích tới từ Nga khẳng định điều đó hoàn toàn bình thường chứ không phải “dấu hiệu cho thấy Matxcơva coi Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm tàng” như tạp chí Nhật nhận định.
“Nó cũng giống như trường hợp của Thụy Sĩ khi quốc gia này bị bao quanh bởi nước thành viên EU và NATO vốn có mối quan hệ mật thiết, nhưng vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn”, ông Kashin giải thích và khẳng định mục đích các cuộc tập trận của Nga là để duy trì khả năng chiến đấu và ứng phó trước các mối đe dọa của quân đội nước này.