Thực hiện sứ mệnh ngoại giao hiếm hoi, Thủ tướng Abe mang thông điệp gì tới Iran?

Bảo Hà |

Trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tới Iran để thực hiện một sứ mệnh ngoại giao hiếm hoi với hy vọng có thể giúp giảm căng thẳng giữa quốc gia Cộng hòa Hồi giáo với Mỹ.

Theo hãng thông tấn Pháp AFP, Iran đang trong tình thế đối đầu căng thẳng với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm ngoái.

Không chỉ vậy, Mỹ còn tái áp đặt các lệnh trừng phạt và điều động quân tới khu vực, gây sức ép về mặt kinh tế và quân sự lên Iran, trong đó có việc buộc các đồng minh như Nhật Bản ngừng mua dầu của Iran.

Giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe sẽ không trình bày danh sách yêu cầu đối với Tehran hay chuyển thông điệp hộ Washington. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản muốn tiếp cận quốc gia Hồi giáo với tư cách là một nhà hòa giải trung lập.

Theo ông Michael Bosack – cố vấn đặc biệt về quan hệ chính quyền tại Hội đồng Yokosuka Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, cách tiếp cận của Nhật Bản có thể hữu ích.

"Nhật Bản không mang theo bất kỳ nội dung lịch sử hay tôn giáo nào, mà thay vào đó thể hiện con đường riêng trong chính sách Trung Đông. Những yếu tố này giúp Thủ tướng có một vị trí tốt hơn khi gặp mặt Lãnh tụ Tối cao Khamenei. Điều đó đồng nghĩa với việc các phương án do Nhật Bản đề xuất có thể cho phép các phe phái cứng rắn ở Iran cân nhắc các phương án mà không cho rằng các giải pháp đó xuất phát từ phương Tây”, chuyên gia giải thích với AFP.

Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei trong chuyến công du kéo dài 3 ngày từ 12-14/6. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản tới Iran kể từ năm 1978 – một năm trước khi diễn ra Cách mạng Iran.

Giới chức cho biết Nhật Bản hy vọng xoa dịu được căng thẳng, đặc biệt là khi Thủ tướng Abe còn nhận được lời chúc của Tổng thống Trump về chuyến đi hòa giải khi nhà lãnh đạo Mỹ tới Tokyo tháng trước.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là ở cấp lãnh đạo, chúng tôi kêu gọi Iran hãy đóng vai trò một cường quốc khu vực để giảm căng thẳng, tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và xây dựng sự ổn định cho khu vực", Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu trước chuyến đi.

Về phần mình, giới bình luận Iran cho rằng Thủ tướng Nhật Bản có thể đem theo thông điệp của Mỹ. Ông Ebrahim Rahimpour, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran, nói: "Chuyến thăm của ông Abe diễn ra ngay sau khi gặp ông Trump tại Nhật Bản, do đó người Mỹ có thể sử dụng kênh ngoại giao này. Iran sẽ tuyên bố quyền và lập trường của mình, trong khi bên kia có thể công bố các thông điệp có thể là của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi Tokyo có cả mối quan hệ lâu dài với Tehran và quan hệ nồng ấm với Washington, các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Abe hầu như không có tác động đáng kể nào đối với mỗi bên và và công tác hòa giải sẽ là một trận đấu khó khăn.

Ông Tobias Harris, nhà phân tích thuộc nhóm tư vấn Teneo, nhận định: "Chuyến đi của Thủ tướng Nhật Bản đối mặt với những trở ngại đáng kể và khó có thể mang lại kết quả. Dù Nhật Bản có mối quan hệ tốt với cả hai quốc gia nhưng những mối quan hệ này không hề đảm bảo có sức ảnh hưởng".

Theo chuyên gia Bosack, Nhật Bản chưa bao giờ đóng vai trò tích cực trong các vấn đề ở Trung Đông và sẽ là không thực tế khi mong đợi một kết quả nhanh chóng từ chuyến thăm.

https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thuc-hien-su-menh-ngoai-giao-hiem-hoi-thu-tuong-abe-mang-thong-diep-gi-toi-iran-20190610191616170.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại