Dầu mỏ chỉ là một phần trong "món hời khổng lồ": TQ sẽ không đứng yên nhìn Iran bị Mỹ "bắt nạt"?

Tất Đạt |

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Mỹ với Trung Quốc đã khiến Tehran và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Mối quan hệ Iran - Trung Quốc

Bằng áp lực và đối đầu, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ cách tiếp cận Trung Quốc và Iran như dưới thời ông Obama. Điều này đã khiến Bắc Kinh xích lại gần Tehran và đặt mối quan hệ giữa hai nước này vào tầm ngắm của cuộc chiến tranh thương mại do Nhà Trắng phát động.

Mỹ đã thắt chặt cấm vận đối với Iran trong năm ngoái, và việc này có thể sẽ tiếp diễn khi tổng thống Trump chuyển từ mối đe dọa quân sự sang chiến tranh kinh tế toàn diện. Với việc Trung Quốc đang có những khoản hợp tác kinh tế lớn với Iran, thì mối nguy hiểm càng trở nên rõ rệt giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.

Peng Nian, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ, cho biết Bắc Kinh rất không hài lòng với việc Washington rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - thỏa thuận mà Trung Quốc đánh giá là sự thành công trong nỗ lực đàm phán của các nước với Tehran. Các áp lực tương lai giữa Mỹ và Iran sẽ chỉ khiến Trung Quốc "tức giận" hơn - ông Peng đánh giá.

"Lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông, ví dụ như việc triển khai dự án Vành đai Con đường và mối hợp tác về năng lượng giữa Trung Quốc và Iran, sẽ bị tổn hại bởi vì tình hình an ninh trong khu vực," ông Peng nói.

Lời đe dọa của Mỹ về một cuộc chiến tranh với Iran dường như đã không còn hiệu lực, nhưng các cấm vận nặng nề và quyết định của Mỹ trong việc ngăn chặn dầu mỏ xuất khẩu Iran sẽ tiếp tục bào mòn sức mạnh của quốc gia Trung Đông.

Trả lời tại Thụy Sĩ vào ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi đi những thông điệp hòa dịu hơn đối với Tehran: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán vô điều kiện. Chúng tôi đã chuẩn bị để đối thoại với họ. Nỗ lực của Mỹ trong việc đảo ngược lại các hoạt động nguy hiểm của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ tiếp tục được thực hiện."

Theo Mohsen Sharriatinia, trợ lí giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Shahid Beheshti ở Tehran, các chính sách của Mỹ đang gây ra những ảnh hưởng trái ngược đối với mối quan hệ Trung Quốc - Iran.

"Một mặt, áp lực của Mỹ đã hạn chế liên kết hợp tác giữa hai quốc gia. Và mặt khác, Mỹ đã tạo ra cơ hội mới để Trung Quốc - Iran có chung mục tiêu chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ".

Dầu mỏ chỉ là một phần trong món hời khổng lồ: TQ sẽ không đứng yên nhìn Iran bị Mỹ bắt nạt? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hai tuần trước lời đề nghị của ông Pompeo, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thông báo thể hiện sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân - mà Washington đã đơn phương rút lui từ tháng 5/2018 - và chỉ trích vô số những cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Iran.

"Không khoan nhượng"

Trung Quốc đặc biệt tức giận vào hồi tháng 12 vừa qua, khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính và con gái của nhà sáng lập công ty công nghệ Huawei - theo lệnh của Mỹ. Mỹ được cho là sẽ xét xử bà Mạnh vì Huawei đã vi phạm các khoản cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh mẽ sau vụ việc - bao gồm bắt giữ hai người Canada và xử tội tử hình đối với một công dân Canada khác. Đây có thể là tín hiệu gửi tới Mỹ rằng việc trừng phạt các công ty Trung Quốc có thể sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng tới chiến lược ngoại giao kiểu "bắt giữ con tin".

Willy Wo-Lop Lam, giáo sư giảng dạy tại Đại học Hong Kong, cho biết "ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Tập Cận Bình là đưa ra giải pháp đối với vấn đề thương mại và những mâu thuẫn khác với Mỹ".

Nhưng vấn đề căng thẳng giữa Washington và Tehran cũng là một vấn đề lớn, xét tới việc Iran chiếm tới khoảng 10% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bắc Kinh đã luôn khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân. "Tuy nhiên hãy nhớ rằng Washington đang nắm nhiều thuận lợi hơn trong cuộc đối thoại thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền của ông Tập sẽ có ít khả năng lên tiếng phản đối Mỹ một cách thẳng thừng".

Bắc Kinh dường như đã cảm thấy bớt áp lực hơn sau tuyên bố hạ nhiệt của ông Pompeo, bởi một cuộc chiến tranh giữa Mỹ với đối tác lớn thứ hai của Trung Quốc ở Trung Đông (sau Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) sẽ là một vấn đề lớn.

Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, các công dân Trung Quốc sẽ buộc phải rời khỏi khu vực trong khi các dự án và nguồn đầu tư của Trung Quốc gặp nhiều nguy hiểm.

Hồi giữa tháng 5, Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, đã đăng một bài viết trên tờ Financial Times yêu cầu các công ty Trung Quốc chấm dứt hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kim loại của Iran, thúc giục theo đuổi chiến lược "không khoan nhượng" đối với việc vi phạm cấm vận với Iran.

Điều này cho thấy việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không chỉ là một "phát súng" được bắn vào cuộc chiến công nghệ mà còn có thể mở ra một mặt trận mới trong chiến tranh thương mại. Mặt trận này sẽ nhằm vào việc trừng phạt cả Trung Quốc lẫn Iran.

"Như đã được thể hiện trong trường hợp của Huawei, có vẻ như Bắc Kinh sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ công nghệ cho Tehran, công nghệ thông tin và liên lạc (ICT) và những ngành có thể sử dụng cả trong dân sự và quân sự. Có khả năng Trung Quốc sẽ giúp Iran phá vỡ một số các điều luật khác nhau trong cấm vận cho Liên Hợp Quốc áp đặt, bao gồm những hàng hóa từ phương Tây hoặc quyền truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế."

Cấm vận tiếp diễn

Tháng 11 năm ngoái, Nhà Trắng thông báo vòng cấm vận mới, áp dụng đối với 50 công ty Iran, bao gồm hãng hàng không quốc gia và một loạt các công ty vận tải và phương tiện của Iran. Nhà Trắng cũng cho phép miễn trừ đối với 8 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, để tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran.

Hồi tháng 4, chính quyền ông Trump đột ngột tuyên bố sẽ không kéo dài miễn trừ tạm thời đối với bất kì nước nào trong 8 quốc gia kể trên. Ông Pompeo đã cáo buộc Tehran "gây bất ổn" khu vực Trung Đông, nơi các đồng minh của Washington là Israel và Ả Rập Saudi đã có những bất đồng không khoan nhượng với Iran. Mục tiêu của Mỹ - theo ông Pompeo - là "đưa xuất khẩu dầu mỏ Iran về con số 0".

"Chính phủ Iran có lựa chọn của mình. Hoặc là thay đổi 180 độ và cư xử như một quốc gia bình thường, hoặc là chứng kiến nền kinh tế Iran sụp đổ".

Nhà Trắng đã buộc Tehran phải chấp nhận 12 yêu cầu, bao gồm hạn chế nghiêm khắc hơn đối với chương trình hạt nhân, kết thúc chương trình tên lửa đạn đạo và thả các tù nhân Mỹ bị bắt giữ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết không thể chấp nhận được các yêu cầu này.

Một số chuyên gia tại Washington lo ngại rằng cuộc đối đầu với Tehran có thể sẽ khiến Mỹ mất tập trung đối với đối thủ cạnh tranh chiến lược chính là Trung Quốc.

Elbridge Colby, giám đốc chương trình phòng thủ tại Trung tâm An ninh Mỹ, cho biết từ quan điểm của Washington, các quan ngại đối với Iran là có thể hiểu được, nhưng Trung Quốc là một thách thức đáng quan ngại hơn nhiều.

"Iran là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc là thách thức lớn đối với lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Mỹ phải xử lí vấn đề Iran theo cách hiệu quả và đảm bảo trong khi vẫn giải quyết được các vấn đề khác khi đối đầu với Trung Quốc," ông Colby đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại